Xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục 7 tỷ USD
Với kim ngạch gần 3,5 tỷ USD trong nửa đầu năm, với nguồn cung dồi dào, có thể đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, ngành hàng rau quả đang được kỳ vọng có thể lập thêm kỷ lục mới trong năm nay, với mốc 7 tỷ USD...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả tháng 6/2024 ước đạt gần 780 triệu USD. Lũy kế 6 tháng năm 2024, rau quả giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu trong các mặt hàng nông sản, với kim ngạch gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
XUẤT KHẨU RAU QUẢ TĂNG TRƯỞNG MẠNH Ở NHIỀU THỊ TRƯỜNG
Sầu riêng, thanh long, chuối... đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục thuận lợi, nhờ nhu cầu tăng tại thị trường truyền thống Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan... Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc trong 6 tháng năm 2024 ước đạt khoảng 2,2 tỷ USD (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023), dẫn đầu trong các thị trường xuất khẩu của mặt hàng này.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch hơn chục loại trái cây vào thị trường Trung Quốc, gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ký Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt trong năm 2024. Hiện hai nước đã thống nhất ký kết Nghị định thư dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.
"Thị trường Trung Quốc rất rộng cửa, nhưng chất lượng hàng rau quả lại chưa ổn định. Vẫn còn một số lô hàng bị cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vừa qua, đề án Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) đã được Chính phủ phê duyệt, mở ra công cụ mới để thúc đẩy chất lượng rau quả xuất khẩu", ông Phùng Đức Tiến thông tin.
"Vnfruit dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay có thể đạt 7-7,5 tỷ USD, nếu như có thêm được mặt hàng sầu riêng đông lạnh hoặc dừa tươi tham gia theo các thỏa thuận đàm phán hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc thì có thể tăng tốt hơn".
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit).
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của rau quả Việt Nam trong 6 tháng qua là Hàn Quốc ước đạt 180 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với Hoa Kỳ, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 150 triệu USD trong 6 tháng năm 2024, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm vào Hoa Kỳ thì cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho hay: "Sản lượng rau quả thu hoạch tăng lên khoảng 6%/năm. Lượng cung rất lớn và ổn định. Hơn nữa, nhu cầu của thị trường thế giới tăng lên, từ nay đến hết năm 2024 ngành rau quả Việt Nam vẫn có những điều kiện thuận lợi để phát triển".
Sắp tới, dừa tươi sẽ được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, hứa hẹn trong rau quả sẽ có thêm trái cây "tỷ đô". "Nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan", ông Bình nhận định.
CẦN ĐƯA SẦU RIÊNG THÀNH NGÀNH HÀNG RIÊNG
Với kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2024, sầu riêng đang là trái cây dẫn đầu về xuất khẩu trong nhóm ngành hàng rau quả nước ta. Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng đến 92% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng nước ta. Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam từ năm 2022 đến nay ghi nhận sự "bùng nổ" bằng rất nhiều năm cộng lại, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD năm 2023.
Tờ South China Morning Post của Trung Quốc đưa ra thông tin, những năm gần đây, nhu cầu sầu riêng toàn cầu tăng 400% chủ yếu nhờ sức mua tăng từ Trung Quốc. Dự báo nhu cầu sầu riêng từ Trung Quốc có thể tăng gấp 15 lần trong tương lai.
"Với kim ngạch trên 2 tỷ USD mỗi năm, đã đến lúc cần phải có cơ chế quản lý riêng cho ngành sầu riêng, để điều tiết được sản xuất của người nông dân, tăng cường được hiệu quả hợp tác giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh, ngăn chặn các vi phạm trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ sầu riêng".
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.
Tuy nhiên, sự ""bùng nổ"" xuất khẩu sầu riêng cũng đã khiến ngành hàng này đối mặt với nhiều vấn đề đe dọa đến sự phát triển bền vững. Vừa qua, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo cho biết sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư “kim loại nặng” vượt mức cho phép. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh với sầu riêng Malaysia, khi nước này vừa lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc.
Tại Việt Nam, mới đây, một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sầu riêng đã quyết định kiện một nhà vườn ở Bình Thuận ra tòa sau khi nhà vườn này "hủy kèo" trong việc mua bán sầu riêng với doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên một nhà vườn trồng sầu riêng vướng phải một vụ kiện về ""bẻ kèo"" liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000 ha thì đến cuối năm 2023 con số này đã hlên mức gần 151.000 ha, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn. Hiện diện tích trồng sầu riêng đã cao gấp 2 lần so với quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dù cả nước có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp, nhưng thực tế là các địa phương chưa chủ động kiểm tra, giám sát các mã số xuất khẩu sau khi được cấp theo đúng quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là Nghị định thư sầu riêng đã ký với Trung Quốc.
"Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến nhiều lô hàng sầu riêng bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong thời gian qua và có dấu hiệu gia tăng", ông Đạt nêu thực tế.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã dùng từ "cạnh tranh khốc liệt" khi nói về ngành hàng sầu riêng. Theo bà Vy, nhiều doanh nghiệp, thương lái đang "lao đao" trong cuộc đua tranh giành "miếng bánh" sầu riêng, phải cạnh tranh rất gắt từ thu mua đến xuất khẩu.
Tại một hội nghị phát triển sầu riêng bền vững gần đây, bà Vy đã đề xuất cơ chế “tách sầu riêng thành ngành hàng độc lập để có cơ chế quản lý riêng”. Ở Thái Lan chỉ cần một nông dân cắt sầu riêng non bị cảnh sát kiểm tra (bất kỳ lúc nào) phát hiện, thì mã số vùng trồng đó sẽ bị thống báo trên một fanpage, ở đó có sự tham gia của lãnh sự quán Trung Quốc để xử lý”, bà Vy nói.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-rau-qua-co-the-lap-ky-luc-7-ty-usd.htm