Xuất khẩu rau quả: Đâu là rào cản trên đường đến đích 10 tỷ USD?

Việc rau quả Việt Nam liên tục bị cảnh báo khi xuất khẩu là rào cản chính khiến mục tiêu chinh phục mốc 10 tỷ USD trở nên trắc trở.

Sầu riêng và nỗi lo liên tục bị cảnh báo

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được cảnh báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến lô hàng trái cây tươi (bao gồm sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam. Các lô hàng này không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sầu riêng Việt Nam nhiều lần bị cảnh báo. (Ảnh minh họa)

Sầu riêng Việt Nam nhiều lần bị cảnh báo. (Ảnh minh họa)

Liên tục từ năm 2022 đến nay, sầu riêng Việt Nam trở thành loại trái cây được nhiều thị trường ưa chuộng. Cũng từ thời điểm đó, liên tục các vụ việc vi phạm đối với sầu riêng xuất khẩu đã bị cảnh báo. Gần đây nhất, cuối tháng 12/2024, Hiệp hội Rau quả Việt Nam phát đi thông báo khẩn, phản đối mạnh mẽ việc một số đối tượng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Các đối tượng này đã sử dụng hợp đồng ủy quyền giả, con dấu và chữ ký giả để lừa đảo doanh nghiệp và qua mặt cơ quan chức năng, nhằm trục lợi và xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc.

Trong năm 2024, nhiều lô sầu riêng của Việt Nam nhiễm cadimi buộc phía Trung Quốc phải trả về. Việc này cũng khiến cho nhiều thời điểm giá sầu riêng Việt Nam rớt mạnh.

Không chỉ Trung Quốc - thị trường lớn nhất của sầu riêng Việt Nam cảnh báo mà EU mới đây cũng công bố tăng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới từ 10% lên 20% từ ngày 8/1/2025 (trước đây cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu kiểm tra khoảng 2%-3%). Quyết định này được đưa ra sau khi phía EU phát hiện sản phẩm này tồn dư nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu. Việc tăng tần suất kiểm tra cũng đồng nghĩa với việc các lô hàng đó bị kéo dài thêm thời gian được nhập khẩu vào EU. Nếu kết quả kiểm tra lô hàng có vấn đề thì lô hàng đó sẽ bị hủy ngay tại biên giới.

Nếu thời gian tới, EU tiếp tục phát hiện có lô hàng vi phạm quy định, họ có thể nâng tần suất kiểm tra lên 20% hoặc hơn nữa. Như đậu bắp và ớt chuông hiện cũng đang chịu tần suất kiểm tra 50%, thanh long trước đây cũng chịu tần suất kiểm tra 50% nhưng sau một thời gian cải thiện, khắc phục thì EU đã giảm tần suất kiểm tra xuống 20%.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt đạt 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm trước. Đây là bước tiến ngoạn mục khi sầu riêng chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Trung Quốc là thị trường chiếm tới 90% về thị phần.

Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng nóng của xuất khẩu sầu riêng đã khiến cho trái cây này nhiều lần bị cảnh báo do không đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Việc bị tăng tần suất kiểm tra, hoặc bị cảnh báo không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của riêng một mặt hàng mà còn gây ảnh hưởng đến hình ảnh của rau quả Việt Nam nói chung.

Còn nhớ cuối năm 2023, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đã phát hiện hai lô sầu riêng, ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, yêu cầu doanh nghiệp phải tiêu hủy. Tháng 9/2023, một lô hàng 10kg bòn bon của Việt Nam cũng bị Iceland phát hiện có hàm lượng cao thuốc trừ sâu gốc carbaryl. Sau đó, Iceland đã phát tin cảnh báo nhanh về thực phẩm của Liên minh châu Âu. Lô hàng cũng đã bị tiêu hủy ngay tại cửa khẩu.

Những sự việc này cho thấy, dù chỉ là 10kg bòn bon hay chỉ hơn 1 tấn sầu riêng, với số lượng hàng cực kỳ ít nhưng nếu vi phạm các quy định của các nước nhập khẩu thì vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nông sản Việt Nam.

Để rau quả Việt Nam vững vàng trên thị trường quốc tế

Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng sẽ tiếp tục tăng lên 3,5 tỷ USD năm 2025, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 tỷ USD và tiến gần hơn đến mục tiêu 10 tỷ USD trong tương lai gần. Nếu đạt 10 tỷ USD, rau quả Việt Nam sẽ là một trong không nhiều mặt hàng đạt được mốc vô cùng quan trọng này.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay, dù đạt nhiều kết quả về xuất khẩu, song tình hình sâu bệnh gây hại, lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến tuổi thọ vườn trồng, năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của rau quả Việt. Trong khi đó, người tiêu dùng quốc tế hiện nay ưu tiên các sản phẩm sạch, an toàn; đồng thời là các sản phẩm kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, xanh, sạch.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển - cũng thông tin, thị trường Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung đang định hình các chính sách phát triển kinh tế với trọng tâm bền vững, đổi mới công nghệ và bảo vệ xã hội. Mục tiêu lớn của họ là xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu khí thải và tối ưu hóa năng lượng tái tạo. Xu hướng chính sách lại ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng. Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng chú trọng đến những sản phẩm có tính bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và có trách nhiệm. Đây không chỉ là một xu hướng tiêu dùng mà đã trở thành một phần của lối sống với triết lý tiêu dùng “vừa đủ” và “bền vững”.

Chính vì vậy, xuất khẩu các sản phẩm xanh là giải pháp quan trọng giúp nông sản Việt Nam nói chung và rau quả Việt Nam đứng vững tại thị trường này. Đây cũng sẽ là xu hướng chung của nhiều khu vực thị trường trong thời gian tới.

Bắt đầu từ ngày 20/1/2025, nhằm hạn chế các trường hợp giả mạo, gian lận trong sử dụng mã số xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nếu không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức/cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đóng gói của mình chủ động gửi thông báo bằng văn bản về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản nói chung cần phải nhận thức rõ ràng rằng chỉ cần bị “tuýt còi” một lần là sẽ kéo theo tất cả doanh nghiệp khác trong ngành chịu mức kiểm soát tăng cường ở cửa khẩu. Hiện nay, hầu hết thị trường đều đưa ra cảnh báo dù chỉ một lô hàng vi phạm. Điều ấy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng.

Hiện nay, cả nước mới chỉ có 7 nhóm mặt hàng đạt mốc xuất khẩu chục tỷ USD. Điều này đồng nghĩa, nếu rau quả gia nhập câu lạc bộ 10 tỷ USD thì sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, đại diện cho hình ảnh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Đã là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thiết nghĩ, cần có sự ứng xử chuyên nghiệp trong chuỗi giá trị xuất khẩu, từ sản xuất, chế biến, đóng gói đến đưa sản phẩm ra thị trường. Việc này chỉ có được nếu như hạn chế đến mức tối đa, dần xóa bỏ những “sự cố” không đáng có mà rau quả Việt Nam gặp phải như trường hợp của sầu riêng thời gian qua.

Năm 2024 chứng kiến xuất khẩu rau quả có bước “đại nhảy vọt”, đạt 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023. Với dư địa xuất khẩu còn rất lớn, đang mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành hàng rau quả bứt phá trong thời gian tới, dự báo sẽ đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2027.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-rau-qua-dau-la-rao-can-tren-duong-den-dich-10-ty-usd-369213.html