Xuất khẩu sắn chưa thể quay lại câu lạc bộ tỷ đô
Hiệp hội Sắn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2023, xuất khẩu sắn đạt 2 tỷ USD...
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ước khối lượng sắn xuất khẩu cả năm đạt 2,46 triệu tấn, kim ngạch đạt 948 triệu USD, tăng 2,91% về lượng nhưng giá trị không tăng so với 2018.
Như vậy, xuất khẩu sắn tiếp tục rời khỏi câu lạc bộ tỷ đô sau nhiều năm góp mặt, trong khi đó, Hiệp hội Sắn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2023, xuất khẩu sắn đạt 2 tỷ USD.
Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang vào giai đoạn cao điểm của mùa sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, nhưng xuất khẩu tinh bột sắn vẫn trầm lắng tạo áp lực lên giá xuất khẩu do nguồn cung tinh bột ngô tại Trung Quốc dồi dào, nguồn cung tinh bột sắn vụ mới tại Việt Nam và Thái Lan tăng. Do vậy, giá xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm nhẹ hoặc ổn định trong tháng cuối năm 2019.
Trung Quốc vẫn là thị trường số 1
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 10 tháng năm 2019, nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 4,44 triệu tấn, với kim ngạch 1,42 tỷ USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 19,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào là các thị trường cung cấp sắn lát và tinh bột sắn chính cho Trung Quốc. Trong khi, nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc từ Thái Lan giảm 29,9%, Việt Nam giảm 4,4%, Đài Loan giảm 1,6% thì từ Campuchia tăng 69,2%; Lào tăng 2.151%...
Mặc dù vậy, thị phần sắn lát và tinh bột sắn Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng từ 13,8% trong 10 tháng năm 2018, lên 17,5% trong 10 tháng năm 2019 và đứng ở vị số 1 về thị trường nhập khẩu sắn của Trung Quốc.
Trong đó, 10 tháng đầu năm 2019, thị phần sắn lát Việt Nam trong nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc chiếm 7,4%, đạt 183,05 nghìn tấn, trị giá 34,41 triệu USD, giảm 65,2% về lượng và giảm 69,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 594,39 nghìn tấn, trị giá 247,05 triệu USD, tăng 107,4% về lượng và tăng 92,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Khó đạt mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2023
Cả nước hiện có hơn 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn, riêng tỉnh Tây Ninh có tới 68 nhà máy, tổng công suất thiết kế khoảng 5.772 tấn sản phẩm/ngày. Xét về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn tiếp tục là nước tiêu thụ sắn lớn nhất của Việt Nam.
Hiện tại, các địa phương trồng sắn trên cả nước đã vào chính vụ sản xuất niên vụ 2019 - 2020, nguồn cung sắn nguyên liệu tăng mạnh, các nhà máy lớn đang tăng cường chạy hết công suất, đảm bảo thu mua hết nguyên liệu trong vùng. Mặc dù nhu cầu từ thị trường Trung Quốc vẫn chưa tăng mạnh như cùng kỳ các năm trước, nhưng do nguồn cung tinh bột sắn không dồi dào, nên dự kiến giá sẽ không giảm sâu hơn.
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, trong năm 2019, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến cho thị trường Trung Quốc phải điều tiết nhu cầu sắn theo chiều hướng giảm sản lượng nhập khẩu. Nhu cầu sắn ở thị trường Trung Quốc giảm kéo theo giá sắn xuất khẩu giảm.
Bên cạnh đó, tỷ giá giữ đồng đô la và Nhân dân tệ được điều chỉnh theo chiều hướng đồng Nhân dân tệ giảm nhiều so với đồng đôla đã dẫn đến giá xuất khẩu sắn sang Trung Quốc cũng bị giảm theo.
Tổng sản lượng tinh bột sắn của Việt Nam hiện có khoảng 2,3 triệu tấn, riêng tỉnh Tây Ninh đạt khoảng 800.000 tấn/năm, chiếm 1/3 tổng sản lượng cả nước, trong đó có 80% là xuất đi Trung Quốc. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn khi phía Trung Quốc thay đổi chính sách cũng như nhu cầu nhập khẩu sắn.
Vẫn theo ông Trong, mặc dù thị trường có khó khăn và cây sắn trong tỉnh đang bị dịch bệnh, nhưng nông dân dẫn vẫn còn có lợi tuy ít nên diện tích sắn ở tỉnh Tây Ninh vẫn duy trì và phát triển khá tốt. Năm 2019, tỉnh Tây Ninh xuống giống được 55.000 ha sắn, có khả năng trong năm 2020 sẽ lên gần 60.000 ha.
Năm 2019, xuất khẩu tinh bột sắn bị cạnh tranh rất quyết liệt các doanh nghiệp chế biến sắn gặp nhiều khó khăn hơn năm 2018. Tuy nhiên, xét về khối lượng thì xuất khẩu sắn vẫn tăng dù mức tăng không đáng kể, khoảng hơn 2% nhưng giá trị thì tương đương năm 2018, trong khi mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 xuất khẩu sắn đạt 2 tỷ USD của Hiệp hội Sắn đang đến rất gần và khó có khả năng đạt được.