Xuất khẩu sắn hướng đến mục tiêu kim ngạch 2 tỷ USD vào năm 2030
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hết quý I/2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 944.930 tấn, giá trị lên tới 430,44 triệu USD, tuy giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; giá xuất khẩu bình quân của nhóm hàng này đạt 455,5 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn bao mua sản phẩm này của nước ta với tỉ lệ áp đảo 94,2% về lượng và 92% về giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của nước ta trong quý I vừa qua. Theo báo Công Thương, hiện sắn là loại củ tỷ USD đầu tiên của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đem về 1,3 tỷ USD.
Mới đây, bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo Kinh tế & Đô thị, mục tiêu chung của Đề án là phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn, trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%. Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 - 50%. Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70 - 80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Về sản xuất, đến năm 2030, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 480 - 510 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 11,5 - 12,5 triệu tấn, định hướng phân bố tại 5 vùng trọng điểm gồm: Trung du miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ.
Về chế biến, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà máy chế biến các sản phẩm từ sắn (tinh bột, etanol, mỳ chính...). Đồng thời, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến bánh kẹo, mỳ ăn liền, thức ăn chăn nuôi... sử dụng sắn và tinh bột sắn làm nguyên liệu.
Ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong chế biến sắn để nâng cao chất lượng, sử dụng tối đa sản phẩm phụ, bảo vệ môi trường.
Theo BĐT Chính phủ, để thực hiện thành công Đề án này, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương xác định quy mô vùng trồng sắn trong quy hoạch của tỉnh và các định hướng khác có liên quan.
Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; trọng tâm là hỗ trợ thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã sản xuất sắn.
Căn cứ điều kiện thực tiễn, các doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình trồng sắn xây dựng vùng nguyên liệu; cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...); chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Về phần khoa học công nghệ, Đề án chỉ rõ cần phải thu thập, trao đổi, lưu giữ nguồn gen các giống sắn phục vụ công tác chọn tạo giống; nghiên cứu chọn tạo, nhập nội các giống sắn mới có năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu với sinh vật gây hại như khảm lá sắn, chổi rồng, thối củ...
Nhân rộng và hoàn thiện hệ thống nhân giống sắn theo 3 cấp (giống gốc/giống đầu dòng, giống cấp 1, giống cấp 2), trong đó tập trung vào các giống sạch bệnh, giống mới có năng suất, chất lượng cao tại các địa phương để từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng giống sắn đúng tiêu chuẩn chất lượng.
Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao vào thực tiễn các quy trình kỹ thuật sản xuất sắn theo hướng bền vững tại các vùng sinh thái; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sắn...
Ngoài ra, nghiên cứu, chế tạo hoặc nhập khẩu công nghệ mới trong chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ sắn. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ trong chế biến các sản phẩm từ sắn để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Về giải pháp thị trường cho mặt hàng sắn, cần giữ vững thị trường tiêu thụ sắn hiện có (Trung Quốc, Hàn Quốc...). Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (EU, Đông Bắc Á...), tháo gỡ rào cản thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sắn Việt Nam được tiêu thụ rộng trên thị trường thế giới.
Ở trong nước, ngoài việc khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ sắn, các địa phương cần tiếp tục thu hút doanh nghiệp chế biến bánh kẹo, nha đường gluco, mỳ ăn liền, thức ăn chăn nuôi... sử dụng sắn và tinh bột sắn làm nguyên liệu để tăng chuỗi giá trị ngành hàng sắn.
Minh Hoa (t/h)