Xuất khẩu sang châu Phi: Thận trọng để tránh rủi ro
Châu Phi vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu (XK) tiềm năng của hàng hóa Việt Nam, tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa, phong tục, tập quán và ngôn ngữ khác biệt, tình trạng lừa đảo trong giao dịch chính là thách thức lớn.
Theo bà Nguyễn Minh Phương - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), 3 năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang châu Phi luôn tăng, Việt Nam xuất siêu tuyệt đối sang thị trường này. Nông sản là mặt hàng XK chính của Việt Nam, cũng đồng thời là mặt hàng có nhu cầu lớn tại thị trường châu Phi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường này không hề dễ dàng bởi: Khoảng cách địa lý quá xa, không thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa; phong tục tập quán khác biệt, ngôn ngữ không phổ thông; phương thức thanh toán khá phức tạp; thói quen chậm giờ; ưa cách làm việc trực tiếp. Và, đặc biệt là tình trạng lừa đảo trong giao dịch.
Cụ thể tại thị trường Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập - lưu ý: Ai Cập là đất nước hồi giáo, DN cần tuân thủ tiêu chuẩn Hala trong hàng hóa. Công ty nhà nước rất quan trọng trong phân phối hàng hóa, tiếp cận được các DN này là con đường tốt nhất để Việt Nam tăng XK. Tại Ai Cập, vấn đề lừa đảo có thể đỡ hơn các nước châu Phi khác. Nhưng đối tượng vẫn có thể có nhiều cách để đạt được mục đích, như làm giả giấy tờ để DN tin tưởng, từ đó thực hiện hoạt động giao thương, nhất là vấn đề tài chính. “Không ký hợp đồng qua môi giới, trường hợp buộc phải giao dịch qua đối tượng này thì phải xác minh thông tin rõ ràng và chắc chắn”- đại diện Thương Vụ Việt Nam tại Ai Cập nói.
Ông Đỗ Việt Phương- Tham tán thương mại Việt Nam tại Maroc - thông tin: Thị trường Maroc có nhiều điểm tương đồng với các thị trường khác trong khối châu Phi, để an toàn trong giao dịch, ngay từ đầu DN Việt Nam nên hỏi đối tác hồ sơ pháp lý. Điều này sẽ giúp DN nắm được đối tác đó là ai, có thể xác minh; đòi đặt cọc cao để có thể bù một phần chi phí nếu có vấn đề phát sinh; sử dụng ngân hàng có uy tín tại các thành phố lớn; khi có tranh chấp cần liên hệ ngay với các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết, tránh kéo dài, khó xử lý.
Để tránh các rủi ro, các doanh nghiệp nên thận trọng và cần liên hệ với bộ phận Thương vụ của Việt Nam tại các nước châu Phi xác minh đối tác, đủ uy tín mới tiến hành giao dịch.