Xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm tới sẽ đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại

Trong các tuyên bố khi vận động tranh cử, ông Trump cho biết sẽ áp thuế 10% là thuế toàn cầu đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada...

Hoa Kỳ rất tích cực trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tấm pin năng lượng nhập khẩu

Hoa Kỳ rất tích cực trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tấm pin năng lượng nhập khẩu

Tại tọa đàm “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời” ngày 27/12, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ, cho biết trong giai đoạn tới, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025 sẽ là những giai đoạn khá khó khăn đối với cả các nước mà xuất khẩu có thặng dư thương mại lớn sang Hoa Kỳ nói chung, trong đó có Việt Nam.

VỪA LÀ THÁCH THỨC NHƯNG CŨNG LÀ CƠ HỘI

Trong các tuyên bố khi vận động tranh cử, ông Trump cho biết sẽ áp thuế 10% là thuế toàn cầu đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, và tuyên bố nếu EU không hợp tác trong vấn đề tăng cường mua các mặt hàng dầu khí, mặt hàng năng lượng truyền thống thì sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu của khối này. Như vậy có thể hiểu thuế quan sẽ là công cụ, chính sách thương mại chính của chính quyền Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Việc hiện nay Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đứng thứ ba về thặng dư thương mại, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, đạt 102 tỉ USD, sẽ khiến chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, mà đây là do cơ cấu ngoại thương của hàng xuất khẩu của Việt Nam và mang tính chất bổ trợ.

Bên cạnh thuế quan, theo ông Hưng, Hoa Kỳ cũng có thể tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như là tăng khoảng 40% các vụ việc phòng vệ thương mại giống ở mức nhiệm kỳ 1 của ông Donald Trump.

Do đó, việc bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là điều khó có thể tránh khỏi và các biện pháp này là WTO cho phép, nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục được chính quyền của Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.

Song ông Hưng nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải xác định rõ việc phòng vệ thương mại vừa là cơ hội và thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong giao dịch thương mại quốc tế với Hoa Kỳ. Vì đây là những biện pháp mà được WTO cho phép áp dụng trong những điều kiện nhất định.

Do vậy, khi chúng ta tăng cường xuất khẩu, thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, thì doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị để luôn sẵn sàng ứng phó với việc các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ là sẽ khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp của Việt Nam hợp tác đầy đủ và cung cấp thông tin một cách kịp thời cho phía cơ quan điều tra của Hoa Kỳ thì thuế áp dụng với doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất thuận lợi, thậm chí là thấp hơn các đối thủ cạnh tranh.

“Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội này thì sẽ tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như tạo lợi thế cạnh tranh về giá, tiếp cận và mở cửa thị trường hơn”, ông Hưng khẳng định.

DOANH NGHIỆP CẦN SẴN SÀNG TƯ THẾ CHỦ ĐỘNG

Để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, ông Hưng khuyến nghị, các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chủ động xử lý, tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian để nộp các tài liệu kiểm chứng cũng như các tài liệu theo yêu cầu của vụ việc thông qua các khóa đào tạo mà Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với địa phương và hiệp hội ngành hàng tổ chức.

Doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị hệ thống sổ sách kế toán, lưu trữ, chứng từ, thông tin một cách khoa học hiện đại để có thể sử dụng và trích xuất khi cần thiết.

Đồng thời liên tục phải nghiên cứu cải thiện sản phẩm, nâng cao hàm lượng chất xám cũng như tỉ lệ nội địa hóa, tránh phụ thuộc vào các lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm.

Tiếp theo, doanh nghiệp của Việt Nam cũng nghiên cứu, xem xét để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tránh nhập khẩu từ những nước bị Hoa Kỳ coi là đối tượng xem xét. Tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Hoa Kỳ… đây là một trong những biện pháp giúp chúng ta có thể cân bằng thương mại với Hoa Kỳ.

Cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng với các cơ quan quản lý trong nước, cơ quan thương vụ tại Hoa Kỳ để nắm thông tin, từ đó có các chính sách và các biện pháp sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước ông Hưng cho rằng cố gắng xem xét để triển khai những thỏa thuận với phía Hoa Kỳ, trong đó có cam kết là mua hàng từ Hoa Kỳ để cân bằng cán cân thương mại, tránh cho Hoa Kỳ coi như là cái “cớ” để áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam.

Ngoài ra, phía Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến vấn đề mà chuyển tải bất hợp pháp. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cũng cần xem xét về vấn đề gian lận xuất xứ, chuyền tải bất hợp pháp thông qua các cơ chế như Đề án 824 của Cục Phòng vệ thương mại, Nghị quyết 119/2019, cũng như tăng cường tuyên truyền và phổ biến các vấn đề về thực thi với phía Hoa Kỳ để có thêm thông tin.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-sang-hoa-ky-nam-toi-se-doi-mat-voi-nhieu-bien-phap-phong-ve-thuong-mai.htm