Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Những lưu ý trong thương chiến Mỹ - Trung
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cần làm gì trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung căng thẳng...
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cần làm gì trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung căng thẳng... là những vấn đề đặt ra tại hội thảo "Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và những điểm cần lưu ý" do VCCI phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức ngày 29/8.
Nhận định về thương mại Việt – Mỹ thời gian gần đây, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Amcham tại Tp.HCM, Giám đốc vận hành ITL Việt Nam nhấn mạnh, chỉ trong quý đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh. Câu hỏi đặt ra, bao nhiêu % trong số đó thực sự là từ doanh nghiệp Việt Nam và bao nhiêu % là kết quả xuất khẩu tác động từ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc?
Amcham phân tích, phần nhập khẩu từ Mỹ trong quý đầu của Việt Nam tăng thấp hơn so với con số tăng xuất khẩu. Thông thường phần tăng trưởng lành mạnh mỗi năm với 1 thị trường giao động 25-30% về xuất khẩu.
Một số chuyên gia kinh tế và thương mại nhận định, xuất khẩu tổng quan trên thế giới đều đang giảm nhưng ở Việt Nam lại đang thừa hưởng sự tăng trưởng xuất khẩu, một phần liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đó là tin tốt nhưng cũng đi kèm rủi ro nhất định.
Bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh, Amcham nhận thấy việc xuất khẩu hàng công nghệ cao từ Việt Nam đang gia tăng. Và đang có sự chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"Đã có sự tăng tốc trong dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Điều cần bình luận và làm rõ, dù là lợi thế trong tình huống này nhưng đó là lợi thế rất hữu hạn", đại diện Amcham nói.
Văn phòng Amcham ở Trung Quốc đã làm một khảo sát nhỏ, hỏi các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc là sẽ chuyển đi đâu khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn tiến? Có 36% doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Theo đại diện Amcham, vì thiện chí xây dựng thêm mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đang được 2 Chính phủ nỗ lực, quan hệ Việt – Mỹ đang tốt lên, Hoa Kỳ đánh giá rất cao Việt Nam trong quan hệ là đối tác thương mại tiềm năng. Vì thế, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn rất cao.
"Không có câu trả lời trắng, đen, đúng, sai rõ ràng, không ai biết chắc chắn về tương lai, song trên quan điểm cá nhân và suy đoán lạc quan về quan hệ hai nước, tôi cho rằng, cơ hội vẫn lớn hơn rủi ro rất nhiều", bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cần phải làm mọi thứ đúng đắn, chuẩn chỉ, chấp hành các quy định xuất nhập khẩu của Mỹ - dù các quy định này khá đặc thù so với phần còn lại của thế giới.
Bà cũng khuyến nghị, Việt Nam cần để ý về sự tăng trưởng trong xuất khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về việc xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ thay vì gián tiếp xuất khẩu từ Trung Quốc đến Việt Nam, rồi từ Việt Nam qua Mỹ.
"Chúng tôi cũng lưu ý, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ vẫn tập trung vào sản phẩm may mặc, nội thất – đây là những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam", một lần nữa bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vũ Kiên, Ban quan hệ quốc tế, VCCI cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nắm vững các thông tin về thị trường xuất khẩu để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong hoạt động kinh doanh của mình.
Nắm rõ những quy định về tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ cũng như tìm hiểu một số tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ gần đây, từ đó có các kế hoạch và chiến lược riêng cho doanh nghiệp mình.
Với mặt hàng mật ong xuất khẩu, ông Nguyễn Việt Cường, CEO Công ty TNHH khai thác mật ong Đắc Nguyên Hồng cho biết, chưa bị tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bởi mật ong là sản phẩm rất khắt khe để vào được thị trường Mỹ.
Khi Hiệp định thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu mật ong từ Trung Quốc vào Việt Nam bằng 0%, nhưng hiện sản phẩm mật ong từ Trung Quốc sang Việt Nam qua đường chính ngạch không có. Do yếu tố đặc thù, sản phẩm mật ong xuất khẩu sẽ được kiểm nghiệm ở những phòng LAB trên thế giới như về phấn hoa, hàm lượng... kết quả kiểm nghiệm sẽ cho thấy mật ong có xuất xứ từ đâu.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm mật ong của Việt Nam hơn hẳn Trung Quốc; việc quản lý vùng nguyên liệu của Việt Nam xưa nay đã làm tương đối chặt chẽ theo chuỗi, nên cơ hội từ cuộc chiến này với sản phẩm mật ong dường như không có.