Xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp lớn lao đao
Bức tranh hoạt động xuất khẩu 4 tháng đầu năm không mấy khả quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Việc sụt giảm đơn hàng khiến những doanh nghiệp đã có vị thế vững chắc nhiều năm phải rốt ráo tái cấu trúc...
Xuất khẩu giảm mạnh
Năm 2023, mục tiêu của Bộ Công Thương đặt ra là các ngành hàng của Việt Nam đem về kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2022, tương đương với kim ngạch gần 394 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm. Theo đó, thủy sản mang về 1,85 tỷ USD giảm 27% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của thủy sản đều ghi nhận mức giảm rất mạnh như tôm giảm 40%, cá tra giảm 32%, cá ngừ 31%...
Tương tự gỗ và sản phẩm gỗ cũng đối diện với sự sụt giảm 28,3% so với cùng kỳ khi chỉ mang về kim ngạch 2,88 tỷ USD trong quý I/2023. Hai ngành hàng xuất khẩu khác là dệt may và da giày cũng không đạt như kỳ vọng, khi dệt may chỉ mang về 7,2 tỷ USD giảm 17,4% so với cùng kỳ, còn da giày đạt 4,3 tỷ USD giảm 18,6%.
Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong quý I đều giảm. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,57 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 11,54 tỷ USD, giảm 13,8%; EU đạt 10,37 tỷ USD, giảm 10,8%...
Quý I/2023, 7 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai có tổng trị giá xuất khẩu là 48,55 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong Top 7 địa phương xuất khẩu, có đến 6 địa phương có trị giá xuất khẩu giảm trong quý đầu năm. Bình Dương – tỉnh đứng thứ 3 cả nước về xuất khẩu ghi nhận mức giảm mạnh nhất (giảm 23,21% so với quý I/2022). TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai cũng ghi nhận mức giảm tương đương Bình Dương. Thái Nguyên và Bắc Ninh lần lượt giảm 17,8% và 14,17%.
Bước sang tới quý II/2023, kết thúc tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu của nhiều ngành hàng, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nguyên nhân của tình trạng nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới giảm do lạm phát, do suy thoái, do tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác là chi phí đầu vào, giá nguyên vật liệu, lãi suất tăng cao, tiếp cận vốn khó, nhân lực thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, những tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản và huy động trái phiếu của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách còn bất cập và chồng chéo; thiếu sự gắn bó hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giữa các hiệp hội ngành hàng với nhau… Chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, doanh nghiệp và người sản xuất chậm đối mới cả về quản trị và công nghệ; chậm chuyển đổi sản xuất sang xuất khẩu chính ngạch vì vậy làm giảm khả năng xuất khẩu.
Doanh nghiệp đang “oằn mình” chịu đựng
Ông Phạm Hồng Việt- Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giày và nguyên phụ liệu Harco - cho biết, chưa bao giờ các doanh nghiệp trong ngành lại khó khăn như hiện nay. Nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều suy giảm mạnh.
Trong đó, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý I/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 50-70%, cá biệt có doanh nghiệp trong nước gần như không có đơn hàng xuất khẩu.
Tương tự, thị trường trong nước gặp khó khăn từ quý IV/2022. Sau đó, đến quý I/2023 và sau Tết Nguyên đán thì nhu cầu trong nước bắt đầu suy giảm, dẫn đến lượng đơn hàng tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh.
Để chống đỡ với khó khăn này, ông Phạm Hồng Việt cho biết, từ cuối năm ngoái, các doanh nghiệp đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, tuần chỉ còn làm việc 4-5 ngày và giảm quy mô sản xuất (cắt giảm dây chuyền sản xuất). Tiếp đó, trong dịp Tết, có doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc cả tháng, cắt giảm tiền lương, thưởng Tết.
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng ghi nhận, trong ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Việc sụt giảm đơn hàng khiến những doanh nghiệp đã có vị thế vững chắc nhiều năm qua như May 10 cũng phải rốt ráo tái cấu trúc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất.
Ông Nam dự báo, hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang suy giảm mạnh.