Xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong Covid qua kênh trực tuyến
Lãnh đạo Alibaba.com Việt Nam nhận định, bất chấp những khó khăn và trở ngại lớn do tác động của đại dịch Covid-19, một số ngành công nghiệp của Việt Nam đã đạt được những kỷ lục xuất khẩu đáng chú ý.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền, nhân công, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Để khắc phục các tác động này, một trong những giải pháp để các doanh nghiệp tìm khách hàng mới, thị trường tiêu thụ mới là tham gia vào các kênh thương mại điện tử để xúc tiến thương mại.
Phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khi đại dịch toàn cầu đã và đang ngăn cản các hoạt động kinh tế trên nhiều mặt, Công ty DSW đã tìm kiếm được cơ hội là các thị trường tiềm năng dựa vào sáng kiến ‘kinh doanh xuyên biên giới’ của Alibaba.
Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành DSW cho biết, đi lên từ con số không, DSW gặp nhiều khó khăn trong cách vận hành cũng như lựa chọn sản phẩm phù hợp, cách ‘thổi hồn’ cho từng sản phẩm, định hướng gian hàng theo một thị trường mục tiêu đã được xác định... trong những ngày đầu tham gia Alibaba.com.
Nhưng nhờ sự quan tâm, chăm sóc, nắm bắt nhu cầu thị trường và quan trọng là khi vận hành gian hàng, Alibaba.com luôn thay đổi tư duy marketing cho sản phẩm, đặc biệt kênh tìm kiếm khách hàng của nền tảng này không hạn chế một thị trường hay một quốc gia nào. Chỉ sau một năm, doanh thu của DSW từ 3.000 USD trong đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch.
Với một doanh nghiệp khác là Proline Việt Nam, xuất khẩu là con đường bắt buộc trong định hướng phát triển của công ty.
Bà Nguyễn Xuân Hải Yến, Phó giám đốc Proline Việt Nam cho biết, công ty này chọn xuất khẩu trực tuyến bởi đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, chi phí tối ưu nhất để một doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận khách hàng.
Mỗi phút có 14 sản phẩm 'Made in Vietnam' được xuất khẩu online
Theo bà Yến, ưu điểm nói chung của thương mại điện tử chính là việc có thể tiếp cận được với khách hàng trên toàn thế giới chỉ bằng những cú nhấp chuột không phân biệt thời gian, địa điểm và có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí marketing, lưu kho, công tác, chi phí tiếp cận khách hàng…
Ông Andrew Zheng, Phó tổng giám đốc Alibaba.com đánh giá, là một trong những quốc gia sản xuất đại diện cho khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang có được uy tín mạnh mẽ đối với các khách hàng toàn cầu với năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và định hướng tập trung xuất khẩu. Các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam được thị trường quốc tế yêu thích phải kể đến thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn, làm đẹp, chăm sóc cá nhân và nông nghiệp…
Cùng với các hiệp định thương mại tự do FTA được ký kết gần đây; và tăng trưởng thương mại toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 28 nghìn tỷ USD trong năm qua, cao hơn 11% so với mức trước Covid-19 (theo Liên hợp quốc, UNCTAD và IMF).
Đây là những ưu điểm và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững thông qua các phương tiện số, từ đó, tăng tốc phục hồi và thậm chí có được tăng trưởng bền vững, giảm bớt rào cản xuất khẩu vào các thị trường mới.
Ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam nhận định, bất chấp những khó khăn và trở ngại lớn, một số ngành công nghiệp của Việt Nam đã đạt được những kỷ lục xuất khẩu đáng chú ý như sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đồ uống.
Nhìn vào khía cạnh tích cực, ông Lou nhấn mạnh, thương mại điện tử toàn cầu có thể làm được nhiều việc hơn nữa để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nâng tầm quy mô sản xuất, khai phá thị trường quốc tế, tăng sản lượng xuất khẩu, tạo thêm việc làm, đào tạo thêm nhiều lao động hiểu biết về thương mại điện tử và có tác động tích cực đến nền kinh tế đất nước.
Trong hai năm qua, dịch Covid-19 “vô hiệu hóa” các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống cần trao đổi trực tiếp giữa nhà cung cấp, nhà phân phối, người mua, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử, nổi bật trong đó là hoạt động đào tạo phối hợp với Alibaba.com.
Đáng chú ý, “Gian Hàng Việt Nam - Vietnam Pavilion” được triển khai trong một năm kể từ tháng 3/2022 là không gian hàng hóa của Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Không gian này tập hợp giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam chất lượng.
Thông qua gian hàng trực tuyến, Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com sẽ tiến hành các hoạt động xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực kết nối khách hàng và các hoạt động tương tác hai chiều; nâng cao kỹ năng marketing trên môi trường số; và cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng tiềm năng.
Alibaba.com cũng dành riêng cho thị trường Việt Nam các dịch vụ riêng biệt để giúp các doanh nghiệp tăng tốc. Cụ thể, nền tảng này sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện chương trình hỗ trợ Covid-19 với các hội thảo trực tuyến cho hơn 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ có tư duy và công cụ đúng đắn để vượt qua thời kỳ khó khăn của giãn cách xã hội.
Nền tảng sẽ thúc đẩy sự thành công của các doanh nghiệp Việt Nam trên Alibaba.com hơn nữa, bằng cách tuyển dụng các chuyên gia thương mại điện tử để tư vấn cho doanh nghiệp trong suốt quá trình tham gia thương mại điện tử.