Xuất khẩu thép khởi sắc ngay từ đầu năm - triển vọng tăng trưởng lạc quan trong năm 2024
Những tín hiệu tích cực về xuất khẩu thép trong các tháng đầu năm đã và đang mở ra bức tranh triển vọng cho ngành thép trong năm 2024.
Thị trường xuất khẩu chủ lực - tăng trưởng 3 con số
Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép đạt 1,5 tỷ USD. Mặc dù tính riêng trong tháng 2, xuất khẩu sắt thép giảm ở mức thấp nhất trong 3 tháng qua, ước đạt 950 nghìn tấn, với trị giá 678 triệu USD, giảm 18,1% về lượng và 17,6% về trị giá so với tháng trước. Song, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này tăng 19,3% về lượng và 12,6% về trị giá.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, giá thép xuất khẩu trung bình trong tháng 2 đạt 713 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng trước.
Còn số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 2 của Việt Nam đạt 1,54 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ 2023, lượng sắt thép xuất khẩu tăng 65%, trong khi kim ngạch tăng 66,2%.
Được biết, ASEAN là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% thị phần xuất khẩu. Kế tiếp đó là EU và Mỹ lần lượt đứng thứ 2 và 3, chiếm 28% và 9%.
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắt thép tăng trưởng ấn tượng tới 3 con số từ một số thị trường như: Italy, Hoa Kỳ và Malaysia. Cụ thể, tính đến hết tháng 1/2024, xuất khẩu sang Italy đạt 203 nghìn tấn, tăng 114%% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 139 nghìn tấn, tăng 419%; Malaysia đạt 120 nghìn tấn, tăng 625%.
Giá thép xuất khẩu trung bình trong tháng 2/2024 đạt 713 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng trước, nhưng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân đạt 711 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Thép xây dựng dự kiến trở thành điểm sáng hồi phục của ngành thép trong bối cảnh 2 ngành chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu sử dụng là xây dựng dân dụng (chiếm 66% nhu cầu thép xây dựng) và đầu tư công (chiếm 14%) đang ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực kể từ cuối năm 2023. Sản lượng tiêu thụ trong 2 tháng cuối năm đã tăng 30% so với trung bình các tháng trước đó.
Năm 2024, nhiều cơ hội bứt phá
MBS Research nhận định, giá thép trong nước đã tạo đáy xong trong quý III/2023 và hồi phục dần kể từ cuối năm 2023. Trong năm nay, giá thép xây dựng dự báo sẽ tăng 6%, đạt trung bình 15 triệu đồng/tấn.
Đáng chú ý, chênh lệch giá thép Việt Nam với giá thép Trung Quốc hiện chỉ còn ở mức 30 USD/tấn, thấp hơn mức trung bình 50 USD/tấn của 2 năm qua. Điều này sẽ giúp các sản phẩm thép tại Việt Nam không chịu áp lực cạnh tranh về giá từ thép Trung Quốc.
Trong trung hạn, khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục trong năm 2025, giá thép xây dựng dự kiến tiếp tục tăng thêm 8%, đạt mức trung bình 16,4 triệu đồng/tấn.
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng nhận định, ngành thép có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ các yếu tố thuận lợi và cơ hội đến từ các thị trường xuất khẩu. Năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290-300 kg/người, tăng mạnh so với mức 240 kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.
Theo VSA, ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc, EU hay những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chính sách phòng vệ thương mại… Ngành thép vốn là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, vì vậy, các doanh nghiệp cần hành động nhiều hơn để tuân thủ quy định mới theo Luật Bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp ngành thép cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời giải thích thêm về các khái niệm kỹ thuật cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, hiện nay, trước các quy định về kiểm soát phát thải nhà kính, trên thế giới nhiều tập đoàn hàng đầu như Nike, Adidas, Coca - Cola, Heineken… cũng đưa ra các tiêu chí quan trọng về môi trường để lựa chọn nhà cung cấp. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi của các thương hiệu toàn cầu cần đáp ứng quy định về giảm phát thải carbon.
Về vấn đề này, theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp thép cần tăng cường công tác tìm hiểu, theo sát diễn biến nhu cầu thị trường xuất khẩu để từ đó có các kế hoạch chuẩn bị kịp thời và chủ động. Về lâu dài, doanh nghiệp cần tích cực thay đổi công nghệ, tập trung cho chuyển đổi xanh, sản xuất xanh để giảm phát thải các-bon và minh bạch hơn nữa trong quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ bị các nước mở điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, sản lượng xuất khẩu tăng lên gần 13 triệu tấn. Nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, do đó sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 triệu-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 triệu-23 triệu tấn.
Bên cạnh đó, năm 2024 được đánh giá là năm bản lề quan trọng của ngành thép, với kỳ vọng giá thép sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Hơn nữa các Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)… vừa được thông qua mới đây đã góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các vướng mắc trong quá trình định giá đất, đền bù và giải phóng mặt bằng. Qua đó, giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, mang lại nguồn cung cho thị trường.
Những dự án chủ lực như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành kỳ vọng sẽ hoàn thành trước thời hạn trong giai đoạn 2025 – 2028. Tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng vốn chiếm 14% tổng nhu cầu thép, được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào sự phục hồi của ngành thép.
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) chỉ ra, nhu cầu thép toàn cầu đã đạt 1,81 tỷ tấn trong năm 2023 và sẽ tăng 1,9% lên mức 1,85 tỷ tấn vào năm 2024. Trong đó, nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng "0" vào năm 2050, ngành thép cần xây dựng nhiệm vụ, lộ trình cụ thể trong thực hiện cắt giảm khí thải ngành thép. Để làm được thép xanh chắc chắn còn cả một chặng đường dài phía trước, đòi hỏi nguồn lực lớn cả về con người cũng như công nghệ, tài chính.
Nhưng trước mắt, doanh nghiệp thép cần có sự chủ động về thông tin, chính sách, từ đó điều chỉnh, chuẩn hóa trong quản trị năng lượng và giảm dần phát thải trong sản xuất. Đây là việc các doanh nghiệp có thể làm ngay, hoàn toàn không tốn kém.