Xuất khẩu thịt lợn có phải chỉ là 'giấc mơ'?

Hiện nay, thị trường thịt lợn toàn cầu có quy mô 28,5 tỷ USD. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt lợn. Phải chăng giấc mơ 'cường quốc' xuất khẩu thịt lợn vẫn chỉ là...

Trước tiên cần phải nhìn nhận sự thật về hiện trạng nông nghiệp nước ta thì rõ ràng Việt Nam không phải là cường quốc trên thế giới. Nền nông nghiệp của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đang phát triển khi nuôi trồng, chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt là thiếu quy hoạch phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hiện đại có tính lâu dài, chiến lược. Đó là chưa kể đến tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến ruộng đất bị bỏ hoang, vị trí của người nông dân còn chưa được quan tâm đúng mực từ kiến thức chuyên môn đến hỗ trợ về tài chính.

Chăn nuôi lợn phải thực hiện nghiêm từ chế độ dinh dưỡng đến đảm bảo môi trường xanh, sạch và an toàn.

Chăn nuôi lợn phải thực hiện nghiêm từ chế độ dinh dưỡng đến đảm bảo môi trường xanh, sạch và an toàn.

Ấy vậy nhưng không phải chúng ta không có cơ hội tham gia sân chơi về xuất khẩu các loại thịt, trong đó có thịt lợn. Cho dù để phát triển ngành nông nghiệp chỉ là "đánh giặc trên giấy" trong hơn 20 năm qua nhưng vẫn cần phải ngắn gọn chỉ ra rằng chúng ta đang thiếu những cơ sở chăn nuôi an toàn, thiếu những thương hiệu quốc gia để đủ sức cạnh tranh, đủ uy tín và sự kiên trì giữ được chất lượng cho nguồn thịt "made in Việt Nam".

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá

Hiện cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt bao gồm lợn, gia cầm, trâu bò. Chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất chế biến 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2-5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu. Ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25,2% GDP ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được và nếu không phát triển được chế biến thì rất khó khai phá các thị trường xuất khẩu. Mặt khác, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn, cần xây dựng được 1 thương hiệu đủ lớn của doanh nghiệp Việt, trong đó phải chủ động trọn gói các khâu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.

Để phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới, thúc đẩy xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tế và cảnh báo/dự báo năng lực sản xuất và cung cầu thị trường chăn nuôi giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi. Đặc biệt là sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản thực phẩm.

Cũng theo kế hoạch Đề án phát triển cơ sở chế biến, giết mổ theo quy mô công nghiệp thì sản lượng chế biến sẽ nâng lên 25% vào năm 2025, lên 35% vào năm 2030. Đề án của Bộ Nông nghiệp đã được xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ và sẽ sớm được phê duyệt.

Bên cạnh việc xây dựng một nền công nghiệp chăn nuôi xanh sạch, bền vững và có giá trị công bằng cho các bên tham gia, thời gian qua, việc xuất khẩu sản phẩm thịt cũng đã có những bước tiến như ngoài xuất khẩu thịt lợn sữa, lượn mảnh sang Malaysia, Hồng Kông, và vừa rồi có một số sản phẩm thịt lợn khử trùng xuất sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc chưa khơi thông được thị trường xuất khẩu cho thịt và các sản phẩm thịt vẫn chưa có đầu ra ổn định ở thị trường nước ngoài.

Có thể thấy rằng, để ngành chăn nuôi Việt Nam thực sự phát triển thì không có cách nào khác cần sự hợp tác chặt chẽ cả 3 bên gồm Cơ quan Chức năng, Doanh nghiệp và Người nông dân. Chỉ khi nào cả 3 bên đạt được sự cân bằng lợi ích, có tiếng nói chung và cam kết cùng đi lâu dài thì nền công nghiệp chăn nuôi của Việt Nam mới thực sự khởi sắc và xuất khẩu thịt lợn nước ta mới có thể biến giấc mơ thành sự thật.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xuat-khau-thit-lon-co-phai-chi-la-giac-mo-645561.html