Xuất khẩu thoi thóp và hy vọng 'sau cơn mưa trời lại sáng'
Thị trường ảm đạm, không có đơn hàng khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển sang cho thuê nhà xưởng, bán thanh lý tài sản… Tuy vậy, đa số doanh nghiệp vẫn đang cố gắng chuyển hướng sản xuất kinh doanh, hy vọng 'sau cơn mưa trời lại sáng', tới quý III thị trường sẽ phục hồi.
Sau 2 năm chống chọi với tác động của đại dịch COVID-19, bây giờ lại phải trải qua thời kỳ suy giảm kinh tế khiến các doanh nghiệp (DN) bị bào mòn về nguồn lực tài chính và phải đối mặt với rủi ro… Ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội Da - Giầy TP Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Harco chia sẻ, chưa bao giờ các DN trong Hội gặp khó khăn như hiện nay.
Thị trường ‘đóng băng’, có DN phải thanh lý tài sản
Với thị trường xuất khẩu (XK), từ tháng 7/2022 có dấu hiệu đi xuống khi các đối tác nước ngoài bắt đầu cắt giảm đơn hàng tại một số DN. Đến quý IV/2022, gần như 100% các DN đều phải đối mặt với tình trạng này, mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến là 30-50% so với cùng kỳ năm trước. Đến quý I/2023, mức độ cắt giảm đơn hàng diễn ra hết sức nghiêm trọng, mức độ phổ biến là 50-70%, cá biệt có DN gần như không có đơn hàng XK.
Trước thực trạng trên, từ quý IV/2022, các DN trong Hội Da - Giầy TP Hà Nội bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc (tuần làm việc xuống 4-5 ngày) và giảm quy mô sản xuất (cắt giảm dây chuyền sản xuất). Tết Nguyên đán vừa qua, hầu hết DN đều cho nghỉ kéo dài (từ 15 ngày trở lên), cá biệt có DN nghỉ cả tháng, các DN đều cắt giảm tiền lương, thưởng Tết, có DN không thưởng Tết cho người lao động.
Đến quý I/2023, tình trạng phổ biến tại các DN phải sa thải bớt nhân công (khoảng 30 – 50%), giảm lương, giảm hẳn quy mô sản xuất và bán thanh lý tài sản. Ông Việt cho hay, hầu hết DN dù muốn duy trì sản xuất nhưng không có nguồn lực, có nhiều DN nhỏ và vừa tạm dừng hoạt động, có DN chuyển sang cho thuê nhà xưởng…
Nguyên nhân là do tình trạng lạm phát phổ biến từ các quốc gia châu Âu, Mỹ dẫn đến nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh (đây là thị trường XK chính của ngành da giầy Việt Nam). Tồn kho hàng hóa của các hãng bán lẻ châu Âu và Mỹ lên tới 60% (chỉ số này thông thường là 30%).
Với ngành dệt may, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tổng công ty May 10 khi mô tả về thị trường đã sử dụng cụm từ “rất xấu”. Đến thời điểm hiện nay, DN dệt may nhận đơn hàng theo kiểu "bất cứ cái gì có thể bỏ được vào máy may là nhận hết”.
“Chúng tôi không còn phân biệt đơn hàng cao cấp hay thấp cấp, miễn sao DN có khách hàng, người lao động có việc làm”, ông Long nói, và cho biết DN may mặc ở trong tình cảnh không có nhiều lựa chọn. Nếu tình hình không cải thiện, khả năng từ tháng 5 - 6, May 10 sẽ phải giảm giờ làm.
Số liệu khảo sát từ Hiệp hội DN TP.HCM cho thấy, quý I/2023, hầu hết ngành nghề vẫn đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua các cuộc khảo sát, có tới 41,2% số DN được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp.
“Trăm phương nghìn kế” để tồn tại
Trong bối cảnh này, Chủ tịch Hội Da - Giầy TP Hà Nội Phạm Hồng Việt cho hay, các DN đang cơ cấu lại sản phẩm thế mạnh để cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động; khai thác thị trường XK mới như châu Á, Trung Đông, Mỹ Latinh… để tìm kiếm đơn hàng, khách hàng mới.
Đồng thời, các DN da giầy nhận định do độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn với thế giới nên tác động từ bên ngoài rất lớn; đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần thông tin kịp thời và dự báo tình hình cho các DN xác định phương hướng… Mặt khác, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp bộ ban ngành và cấp tỉnh, thành phố tới các thị trường XK trọng điểm, thị trường khác như châu Á, Mỹ Latinh, Trung Đông… để giúp các DN giao thương và nắm bắt thông tin trực tiếp của thị trường.
Nhận định thị trường năm nay rất khó, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty DH Food cho biết, giải pháp của DN này là phát triển thêm kênh bán hàng mới. “Nói chung, chúng tôi xác định phải giúp DN qua được năm nay. Theo đó, trong lúc khó khăn không đầu tư quá nhiều vào các mục đích khác để dồn tiền vào hoạt động xúc tiến thương mại”, ông Dũng nói.
Được biết, thay vì tập trung XK qua kênh siêu thị, năm nay, DH Food đẩy mạnh xúc tiến XK sang thị trường Đức, Hàn Quốc. “Tăng trưởng từng thị trường bị chậm lại nhưng việc phát triển thêm thị trường mới chắc chắn sẽ bù lại”, ông Dũng nói.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu DN, khu vực DN đóng góp 98 – 99% tổng kim ngạch XK.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ đưa ra các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đẩy mạnh khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường XK, mở rộng thị trường trong nước.
Cụ thể, Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ, hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường XK, chỉ đạo hệ thống Thương vụ tích cực hỗ trợ DN kết nối đối tác và thâm nhập thị trường nước ngoài.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực hỗ trợ DN kết nối đối tác, thâm nhập thị trường; đẩy mạnh công tác vận động, khuyến khích doanh nhân, tri thức người Việt Nam ở nước ngoài giao lưu, kết nối, hợp tác đầu tư, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương
Để tháo gỡ đầu ra cho các DN, chúng ta cần phát triển thị trường nước ngoài và phải tổ chức lại sản xuất, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể của thị trường, cùng với đó tiếp tục khai thác các hiệp định thương mại tự do đã ký. Bộ Công Thương sẽ phối hợp, hỗ trợ các DN, ngành hàng tiêu thụ hàng hóa. Tuy vậy, các DN, các ngành hàng phải cố gắng tuân thủ các quy định tại từng thị trường.
Ông Đậu Anh Tuấn
Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, cơ quan Nhà nước cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các DN, HTX, hộ kinh doanh thuận lợi trong tiếp cận thông tin. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.
TS. Phùng Xuân Minh
Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings
Đối mặt với môi trường kinh doanh đầy biến động, khó lường và có rất nhiều yếu tố rủi ro bất lợi, tác động tiêu cực đến sự sinh tồn và phát triển thì các DN không có cách nào khác là phải từng bước nâng cao khả năng, năng lực nội sinh để củng cố nền tảng vững chắc, tăng khả năng thích nghi và năng lực chống chịu, tự cường, bình tĩnh vượt qua khó khăn, thách thức nhằm tiếp tục duy trì động lực thúc đẩy phát triển kinh doanh ổn định và bền vững. Đây được xem như là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế thế giới và các yếu tố rủi ro vĩ mô.