Xuất khẩu thu trăm tỷ USD nhưng phục hồi chưa bền vững?

5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, Bộ Công Thương đánh giá thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc.

Theo Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu (XK) gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nghịch cảnh giá cao cũng lo

3 điểm sáng XK được Bộ Công Thương chỉ ra, đó là nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch XK nhóm hàng này ước đạt 15,18 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,68% tổng kim ngạch XK cả nước. Do giá XK tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước như: cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%...

Bộ Công Thương đánh giá thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc.

Bộ Công Thương đánh giá thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc.

Kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 132,42 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cao. Nhóm thứ 3 là kim ngạch XK hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,96 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá, thị trường XK tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc; Giá XK một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị XK nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của DN, nhà cung cấp chưa cao (xuất hiện tình trạng DN XK gạo bỏ giá đấu thầu tại nước ngoài thấp hơn giá bán trong nước).

Với ngành tiêu, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam, chia sẻ việc giá tiêu tăng cao khiến DN thu mua rất khó. Và quan trọng nhất lượng hàng bán ra thị trường không dồi dào, nguồn cung hạn chế.

“Giá XK cao thì tốt cho nông dân nhưng với DN mức lợi nhuận thu được chưa chắc đã ngang bằng với tỷ lệ tăng giá XK bởi DN có những hợp đồng đã ký từ trước và đến nay mới giao hàng”, bà Liên nói.

DN không thể lường hết được mức giá lên nhanh như vậy. Bà Liên nói: “Mỗi ngày một giá, DN không mua được hàng và cũng rất khó XK. Trong khi đó, mới đây, một số DN thành viên hiệp hội còn bị phản ánh mất một phần khối lượng hàng hóa”.

Hay với nhóm hàng trái cây vốn đang là điểm sáng cũng đứng trước những rủi ro. Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, xu hướng cạnh tranh ngày càng lớn đối với các mặt hàng trái cây tươi mà Việt Nam có thế mạnh như thanh long, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt từ các nước Nam Mỹ. Sau CPTPP, XK các mặt hàng này sang địa bàn này không những không tăng mà còn suy giảm đều qua các năm.

Cùng chung nhận định với thương vụ Việt Nam tại Canada về triển vọng XK các mặt hàng rau củ quả mùa vụ sang địa bàn, chủ một DN nhập khẩu rau củ quả Việt Nam vào thị trường này - ông Herb cho biết, hiện nay, ông vẫn kiên trì nhập khẩu trái cây từ Việt Nam để cân đối khối lượng với rau gia vị nhưng thực tế, DN hầu như không có lãi, Brazil đang cạnh tranh lớn với Việt Nam về trái thanh long, mãng cầu và chanh leo.

Lép vế khi cạnh tranh

Trong khi đó, Colombia, Mexico bắt đầu trồng sầu riêng, vải và chôm chôm. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ có chất lượng và giá tốt hơn hẳn sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Ngoài ra, điểm yếu của Việt Nam khi tham gia XK là nguồn cung không ổn định, giá không ổn định, chi phí vận chuyển cao.

Bên cạnh đó, ông Herba phân tích, hàng Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh lớn của các thương nhân Trung Quốc, vốn đang là những nhà phân phối khống chế nhiều chuỗi siêu thị và chỉ ưu tiên nhập hàng từ Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam còn chưa bảo tồn và phát triển được các giống/chủng loại trái cây truyền thống như (mít tố nữ) và các loại trái cây giống mới được thị trường ưa chuộng.

Trong khi đó với ngành tỷ USD dệt may, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam ( VITAS), đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế XK, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan thông qua các hiệp định FTAs mà Việt Nam đã ký.

Tuy nhiên, việc XK của ngành đang phải đối diện với những khó khăn thách thức như: hạn chế về tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực khiến việc cạnh tranh với các nhà sản xuất dệt may từ Trung Quốc còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc bị động vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và thị trường XK thế giới đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các DN của ngành phải thích ứng liên tục để không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh khác…

Cùng với đó, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường XK của Việt Nam.

Trước tình trạng chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ ra, sản phẩm dệt may, da giày trong khoảng 10 năm vừa qua luôn chiếm tỷ trọng trong cơ cấu XK rất lớn, ngành này đã đóng góp cho giá trị tăng trưởng của XK, đóng góp trong việc giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, ở một chừng mực nào đó trong giai đoạn đầu cách đây khoảng 10 năm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, ông Diên nhìn nhận do Việt Nam không còn là thiên đường cho những ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng về đất đai hay năng suất lao động thấp, giá trị nhân công rẻ, cho nên, việc chuyển dịch của những DN trong ngành công nghiệp dệt may, da giày sang các nước khác ở thời điểm này trở đi cũng là việc bình thường.

Do đó, “trong tương lai không chỉ là ngành dệt may mà tất cả các ngành sản xuất khác để XK, phải cố gắng khai thác các nguyên liệu tại chỗ bằng cách khai thác tài nguyên khoáng sản tại chỗ để chúng ta từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu, nâng giá trị của sản phẩm XK, chứ không phải chỉ là giá trị gia công như giai đoạn vừa qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thắng

Thứ trưởng Bộ Công Thương

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường XK truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường XK để DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Trương Đình Hòe

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Dự báo XK thủy sản trong thời gian tới có thể đối mặt nhiều khó khăn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình hình leo thang của các cuộc xung đột vũ trang thế giới, nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm… tác động lên chi phí sản xuất, hoạt động logistics, đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thủy sản tại các thị trường lớn của thủy sản Việt Nam. Cùng với đó, nhiều rào cản thương mại cũng đang cản đường xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Quân

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU

Ngày 24/5 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã phê chuẩn chỉ thị trách nhiệm thẩm định tính bền vững của DN lớn. Đồng thời ngày 14/5, Nghị viện và Hội đồng châu Âu ban hành Chỉ thị sửa đổi các quy định liên quan đến một số loại nông sản thực phẩm tại các chỉ thị của Hội đồng châu Âu ban hành trước đây nhằm thực hiện mục tiêu Thỏa thuận xanh, chiến lược từ trang trại tới bàn ăn để tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh, thân thiện với môi trường bền vững hơn. Đây là vấn đề mà các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-thu-tram-ty-usd-nhung-phuc-hoi-chua-ben-vung-1100366.html