Xuất khẩu thuận lợi, thủy sản lãi lớn, nhiều chủ DN lọt top giàu trên sàn chứng khoán
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đã đạt kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu và lợi nhuận năm 2021 cũng như quý 1 tăng trưởng cao vọt. Cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán theo đó cũng liên tục tăng lập đỉnh lịch sử, đưa một vài chủ DN ngành thủy sản lọt vào nhóm người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản vừa công bố kết quả kinh doanh trong quý 1, với bức tranh tăng trưởng tươi sáng. Không ít doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng bằng lần, giúp quay lại thời kỳ đỉnh cao sau thời gian dài kinh doanh ảm đạm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đầu tiên, phải kể đến Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), doanh nghiệp số một trong ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong quý đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 3267.6 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái), đưa lợi nhuận gộp của công ty gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế gấp 4,2 lần, đạt 553 tỷ đồng. Con số chỉ xếp sau mức lãi kỷ lục hơn 600 tỷ trong quý 3/2018.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, kết quả tích cực này là nhờ nhu cầu trong những tháng đầu năm ở các thị trường chính tăng rất tốt. Doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng với mức tăng trưởng hầu hết đều đạt hai con số. Với tình hình xuất khẩu như hiện nay, công ty quyết định nâng kế hoạch lợi nhuận thêm 100 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu là 1.500 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) trong quý 1 ghi nhận doanh thu tăng tới 73%, với trên 1.200 tỷ đồng. Nam Việt báo lãi 207 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm ngoái và là quý có kết quả tốt thứ 2 trong lịch sử của công ty này.
Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn khác là Công ty Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) thông báo đạt lãi ròng ở mức gần 200 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất lịch sử của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do công ty có lượng tồn kho lớn, nguồn cung nguyên liệu tốt nên trong bối cảnh giá cá tra xuất khẩu liên tục tăng mạnh, đã giúp công ty thu được lợi nhuận tích cực.
Trong khi đó, doanh nghiệp ngành tôm cũng có mức tăng trưởng rất khả quan. Doanh nghiệp đầu ngành là CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt doanh thu khoảng 1.328 tỷ đồng lợi nhuận ròng đạt 41 tỷ đồng. CTCP Camimex Group (CMX) đạt doanh thu gấp đôi trong quý đầu năm. Lợi nhuận sau thuế theo đó gấp 2,3 lần lên 25 tỷ đồng.
Cổ phiếu lập đỉnh, DN giàu lên trông thấy
Sự bùng nổ về lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản trong quý đầu năm giúp cổ phiếu của ngành lội ngược dòng một cách ngoạn mục. Điển hình cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn tăng một mạch từ 62.000 đồng/cổ phiếu từ đầu năm lên 106.000 đồng/cổ phiếu (tăng gần 70%) ngay trong tháng 4 trước khi giảm nhẹ khi thị trường điều chỉnh.
Cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt cũng “nhảy múa” tăng gần 80% tính từ đầu năm đến đỉnh trong tháng 4, và hiện dao động ở mức 46.000 đồng/cổ phiếu. Mã CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group tăng gần 80% so với hồi đầu năm, lên hơn 26.000 đồng/cổ phiếu, trước khi điều chỉnh về giá 20.700 đồng/cổ phiếu hiện nay.
Việc cổ phiếu của các doanh nghiệp thủy sản lập đỉnh lịch sử giúp cho tài sản của các lãnh đạo doanh nghiệp này tăng rất mạnh. Như tài sản của bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn trong quý đầu năm tăng hơn 3.320 tỷ đồng lên mức hơn 8.200 tỷ đồng và lọt top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Đỗ Doãn Tới, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nam Việt tăng mạnh tài sản lên 3.300 tỷ đồng, lọt top 50 người giàu trên sàn chứng khoán.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong quý 1, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, mức cao lịch sử trong một quý từ trước đến nay. Với nhu cầu lớn của các thị trường hiện nay, dự báo trong quý 2, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng cao với mức 2,8 – 2,9 tỷ USD, tăng khoảng 23-24% so với quý 2 năm ngoái.