Xuất khẩu thủy sản của Cần Thơ đạt hơn 387 triệu USD
Sản lượng thủy sản xuất khẩu trong 9 tháng qua của Cần Thơ ước đạt 118.000 tấn với kim ngạch hơn 387 triệu USD. Hiện nay, Cần Thơ đang có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng các yêu cầu của đối tác nhập khẩu, nâng cao giá trị thủy sản nuôi trên địa bàn.
Theo Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ, diện tích thả nuôi thủy sản trong 9 tháng của thành phố hơn 7.900 ha, tăng so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch hơn 3.100 ha với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt hơn 162.000 tấn, bằng 98% so với cùng kỳ. Hiện nay, giá bán cá tra nguyên liệu dao động 26.500 – 27.500 đồng/kg, tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ, giá thành bình quân 26.000 – 27.000 đồng/kg.
Đối với diện tích nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP và BAP+ASC (Bộ tiêu chuẩn đánh giá áp dụng cho ngành thủy sản giúp quản lý nuôi trồng có trách nhiệm và hiệu quả) của Cần Thơ là 193 ha.
Ông Dương Hoàng Thắng, Phó Chi Cục Trưởng Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ cho biết, hiện thành phố có 77 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bao gồm các loại, trong đó có 15 cơ sở sản xuất tôm giống và 62 cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá giống.
Đối với cá tra giống có diện tích hơn 260 ha, với sản lượng trên 2.000 tấn. Hiện tại, giá cá tra giống dao động từ 29.000 – 33.000 đồng/kg tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Trong 9 tháng qua, sản lượng thủy sản xuất khẩu của Cần Thơ ước đạt 118.000 tấn, với kim ngạch trên 387 triệu USD, tăng 6,52% so với cùng kỳ.
Tính đến tháng 9 này, đã cấp 16 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, lũy kế đã cấp 213 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho đối tượng nuôi là cá tra. Đồng thời, phối hợp để tổ chức thanh tra cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản và thuốc thú y trên địa bàn về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc, thức ăn.
Theo ông Dương Hoàng Thắng, khó khăn của Cần Thơ hiện nay là việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã với doanh nghiệp trong thời gian qua chưa chặt chẽ, tính liên kết chưa bền vững, chưa thống nhất được lợi ích hài hòa của hai bên, tình trạng phá vỡ hợp đồng trong thời gian qua vẫn còn xảy ra, liên kết mang tính ngắn hạn theo mùa vụ. Hiện nay, Cần Thơ đang phối hợp chặt chẽ để tiếp đoàn Thanh tra của EU (DG SANTE) trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
“Về công tác chuẩn bị đón tiếp đoàn thanh tra EU thì Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hoàn thiện các hồ sơ của chương trình kiểm soát dư lượng kháng sinh cấm năm 2024. Và cũng rà soát và hướng dẫn các hộ nuôi chuẩn bị hồ sơ ghi chép, vệ sinh ao nuôi, nhà kho và sắp xếp các chứng từ có liên quan. Ở Cần Thơ cũng có một số khó khăn, chất lượng con giống thủy sản nhìn chung chưa được kiểm soát tốt, một số cơ sở nuôi cá tra thương phẩm mua giống tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo quy định…” - ông Dương Hoàng Thắng nói.
Dự kiến đoàn Thanh tra của EU (DG SANTE) trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ tiến thành thanh tra tại Việt Nam từ ngày 24/9 đến 17/10 để đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang EU, cụ thể là thủy sản nuôi và mật ong.
Theo Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU chỉ chiếm khoảng 29% trong 6 tháng đầu năm 2024, nhưng đây là thị trường dẫn dắt, định hướng giúp khẳng định uy tín, chất lượng của thủy sản Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và 90% thương mại cá tra của thế giới; xuất khẩu tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Do đó, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.