Xuất khẩu thủy sản khó đạt 10 tỉ USD
Giá nguyên liệu giảm sút, xuất khẩu gặp khó ở nhiều thị trường, cạnh tranh thương mại gia tăng… là những diễn biến bất lợi cho ngành thủy sản
Sáng 30-11, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị "Phát triển ngành thủy sản bền vững" với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) thủy sản, lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương.
Nhiều thách thức
Ðánh giá những khó khăn cho XK thủy sản trong năng 2019, ông Phùng Ðức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng XK thủy sản gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, các nước nhập khẩu lập hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết, Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm 2019, XK thủy sản cả nước đạt 7,09 tỉ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018 do 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra đều giảm. Cụ thể, XK tôm đạt 2,78 tỉ USD (giảm 6,4%), XK cá tra đạt 1,64 tỉ USD (giảm 10%). Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại nhiều thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái. "Ðã qua 11 tháng nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu XK khoảng 10 tỉ USD. Nguyên nhân đầu tiên là giá XK giảm từ 20%-25%, như cá tra ở thị trường Mỹ giảm hơn 2 USD/kg, tôm giảm từ 1 USD/kg trở lên. Sản lượng năm nay tăng nhưng doanh số giảm mạnh" - ông Hòe nhận định.
Theo VASEP, XK tôm sang một số thị trường sụt giảm như: EU giảm (19,9%), Hàn Quốc (13%), Hồng Kông (14,1%). Về cá tra, XK giảm mạnh ở thị trường Mỹ (giảm 45,8%). Dù DN có nỗ lực khai thác nhiều thị trường khác nhưng vẫn không bù đắp việc giảm mạnh ở thị trường Mỹ và EU. Kim ngạch XK thủy sản năm 2019 dự báo trên 8,9 tỉ USD, tăng 1,4% so với năm ngoái.
Kỳ vọng năm 2020
Tuy gặp nhiều thách thức trong năm nay nhưng theo ông Hòe, năm 2020 XK thủy sản sẽ ổn định hơn do thuế suất chống bán phá giá tôm ở thị trường Mỹ chỉ còn 0%, chắc chắn XK mặt hàng này sang Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại, từ đây lan sang các thị trường khác, trong đó có EU. Trong năm 2019, thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi trong nhập khẩu hàng hóa nhưng sang năm sau, thị trường này đã ổn định về chính sách cũng như kiểm soát. Các DN Việt Nam cũng đã có chuẩn bị kỹ, hiện hàng xuất chính ngạch đã chiếm từ 70%-80%, không còn theo đường biên mậu nhiều như trước. Bên cạnh đó, sản xuất nguyên liệu đã ổn định.
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, XK cá tra trong năm 2019 giảm nhưng vẫn có tín hiệu tích cực do nhu cầu của người tiêu dùng không giảm, XK giảm do nhà nhập khẩu còn tồn kho. "Năm nay, cá tra không bị bê bối như thời điểm trước ở thị trường EU, quản lý chất lượng hàng xuất, kiểm hàng đến khá tốt. Tâm lý người mua có chờ giá xuống nhưng cũng không quá tiêu cực. Vì vậy, trong năm 2020, kế hoạch mua hàng của nhà nhập khẩu chắc chắn sẽ ổn định lại. Nếu chúng ta quản lý chất lượng và quảng bá tốt sẽ kích cầu, giá bán sẽ tăng và ổn định" - bà Tâm tin tưởng.
Siết chặt DN Trung Quốc thuê nhà máy gia công
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, đặt vấn đề khi DN Trung Quốc vào Việt Nam mua nguyên liệu cá tra và thuê nhà máy gia công để XK nhưng cơ quan quản lý lại không có quy định điều kiện với họ. "Tại sao DN chúng ta làm phải theo chuỗi, đầy đủ điều kiện nhưng khi DN Trung Quốc vào thì mình không có biện pháp, để họ phá giá, lũng đoạn thị trường. Cần xem lại và có yêu cầu những nhà máy gia công, chế biến cho DN Trung Quốc phải đáp ứng các điều kiện tương đương với DN Việt Nam, việc này nhằm kiểm soát chất lượng tốt hơn" - ông Nhơn kiến nghị.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/xuat-khau-thuy-san-kho-dat-10-ti-usd-20191130215617149.htm