Xuất khẩu tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn?

2 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 30,16 nghìn tấn, trị giá 139,7 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 59,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, xuất khẩu tiêu trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 02/2022 đạt 14,5 nghìn tấn, trị giá 65,97 triệu USD, giảm 8,1% về lượng và giảm 11,1% về trị giá so với tháng 01/2022, nhưng tăng 8,0% về lượng và tăng 69,5% về trị giá so với tháng 02/2021.

Diễn biến giá tiêu xuất khẩu trong giai đoạn 2020-2022 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Diễn biến giá tiêu xuất khẩu trong giai đoạn 2020-2022 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 30,16 nghìn tấn, trị giá 139,7 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 59,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tháng 02/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.548 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 01/2022, nhưng tăng 56,9% so với tháng 02/2021. Tính chung 02 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 4.631 USD/tấn, tăng 60,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 02/2022 so với tháng 02/2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Ấn Độ, Anh. Đáng chú ý, lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực tăng trưởng ở mức cao như: Đức, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan.

Tuy vậy, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo thời gian tới, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng mạnh, giá cước phí vận tải chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga.

Chính sách “Zezo COVID” tại Trung Quốc cũng tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong năm 2021 đạt 9,27 nghìn tấn, trị giá 30,62 triệu USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 28,3% về trị giá so với năm 2020.

Tháng 01/2022, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nga đạt mức 3.727 USD/ tấn, tăng 43,8% so với tháng 01/2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu từ Việt Nam vào thị trường Nga tăng 45,8%, lên mức 4.527 USD/tấn; từ Brazil tăng 79,5%, lên mức 4.488 USD/tấn.

Như vậy có thể thấy, giá nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt mức cao hơn so với các nguồn cung chính trong năm 2021 và tháng 01/2022.

Năm 2021 và tháng 01/2022, mặc dù Nga tăng mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường Brazil, Sri Lanka, nhưng lượng nhập khẩu ở mức thấp, chưa có khả năng cạnh tranh với ngành hạt tiêu Việt Nam tại thị trường Nga trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, giao dịch hạt tiêu thế giới diễn ra khá ảm đạm. Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, lạm phát, hàng hóa tăng giá tại nhiều quốc gia. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên giá hạt tiêu toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/xuat-khau-tieu-se-gap-nhieu-kho-khan-1084484.html