Xuất khẩu tôm bắt đầu tăng tốc với EVFTA
Xuất khẩu tôm trong tháng 7 và tháng 8 đã khởi sắc và dự kiến tăng tốc từ nay đến cuối năm nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc. Ảnh: Đức Thanh
Tín hiệu tích cực từ EVFTA
Vừa qua, tỉnh Ninh Thuận đã có những lô tôm xuất khẩu đầu tiên sang EU được hưởng ưu đãi thuế của EVFTA. Những lô tôm này đều đạt chứng chỉ ASC - tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất đối với nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
Đáng ghi nhận là, diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ở Việt Nam đang được nhân rộng, hiện chiếm 65% diện tích nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường EU.
Thông Thuận Group, đơn vị vừa có lô tôm xuất khẩu sang EU, hiện có 2 nhà máy tại Ninh Thuận và Khánh Hòa, với kim ngạch xuất khẩu đạt 100 - 120 triệu USD/năm.
Quy trình sản xuất của Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Toàn bộ xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, GlobalGAP, ASC, BAP…
Với việc ký kết EVFTA, các đơn hàng của Thông Thuận tại thị trường EU đã tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống. Trong tháng 9/2020, Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu vào châu Âu đạt khoảng 4,5 triệu USD.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EVFTA đã mang đến nhiều hy vọng cho xuất khẩu tôm sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.
Sau khi giảm liên tục trong quý II năm nay, sang tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU đạt 54,2 triệu USD. Trong tháng 8, nhờ EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu tôm tăng tới 10% so với tháng trước đó và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, tính đến tháng 8/2020, Công ty đã xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm sang EU, với giá trị khoảng 31 triệu USD, tăng 8% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo VASEP, số lượng đơn hàng sang thị trường EU trong tháng 8/2020 tăng khoảng 10% so với tháng trước đó. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Có lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu cuối năm tăng tốc
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đánh giá, EVFTA đang tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu tôm.
Cụ thể, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh, tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông… đã giảm từ 12,5% xuống 0%.
EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, hiện chiếm 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Nhờ lợi thế về thuế, tôm Việt Nam có ưu thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nên nhà nhập khẩu của EU cũng có xu hướng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.
Nhận định về xu hướng thị trường tôm EU từ nay đến cuối năm, ông Hòe cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Ngành du lịch cũng bắt đầu khởi động. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Với những tín hiệu lạc quan trong 2 tháng vừa qua, đại diện VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, theo ông Hòe, để xuất khẩu tôm có thể phát triển bền vững trong tương lai, các doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Những năm gần đây, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm hơn đến sản phẩm bền vững. Khi Covid-19 xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét hơn. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững, mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, được sản xuất an toàn.
Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu chứng chỉ ASC, nhưng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam còn hạn chế. Nguyên nhân là tôm của Việt Nam đa phần được nuôi với quy mô nhỏ lẻ, các hộ nuôi khó kham nổi chi phí chứng nhận. Do đó, theo ông Hòe, để tận dụng các ưu đãi mà EVFTA mang lại, bản thân doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư và Nhà nước cũng nên có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên, nhằm tăng nhanh diện tích nuôi tôm đạt chứng chỉ ASC.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng cho rằng, cửa mở sau EVFTA, nhưng bên trong lại có nhiều rào cản. “EU đòi hỏi thủy sản cũng như các mặt hàng khác bán vào đây phải đạt những chuẩn mực của họ. Chẳng hạn, tôm nuôi phải có chứng nhận quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp nên đầu tư vào sản xuất, như Sao Ta đã mở rộng vùng nuôi đạt chuẩn ASC”, ông Lực nói.
Đánh giá cơ hội đối với tôm Việt Nam tại thị trường EU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thô Phùng Đức Tiến nhận định, EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp thủy sản, trong đó có doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn về các thủ tục pháp lý liên quan đến xuất khẩu sang thị trường này.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-tom-bat-dau-tang-toc-voi-evfta-d129479.html