Xuất khẩu trái cây gặp khó, gạo tăng mạnh
Ảnh hưởng chung từ dịch bệnh Covid-19 gây ra đang diễn biến ngày càng phức tạp khiến việc tiêu thụ, xuất khẩu trái cây tiếp tục gặp khó. Trái lại xuất khẩu gạo ổn định từ đầu năm đến nay, nhiều quốc gia bất ngờ tăng mua gạo Việt Nam.
Thu mua trái cây giảm do lo ngại dịch bệnh
Thời điểm này, dù vấn đề thông quan hàng hóa sang Trung Quốc đã được tháo gỡ, hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường này dần được phục hồi, nhưng cùng với đó là những thông tin đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại tại các nước châu Âu, Mỹ và các nước trong khu vực… đã tạo tâm lý lo ngại cho nhà thu mua trái cây xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh trong xuất khẩu của nước ta như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, cam, xoài, vú sữa… đang gặp nhiều khó khăn. “Thị trường chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ, Malaysia, nhưng từ đầu năm đến nay, 70% lượng trái cây không xuất khẩu được. Chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ từ các hiệp hội, hệ thống bán hàng để tiêu thụ trong nước” - bà Đặng Thị Thúy Nga- Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Định, TP Cần Thơ chia sẻ.
Còn theo đại diện một nhà kho thu mua thanh long tỉnh Long An, nếu như trước đây, các kho thu mua sẵn sàng chi tiền đặt cọc mua thanh long khi vừa có trái non, thậm chí khi mới ra hoa, thì hiện đặt cọc thu mua tối đa chỉ khoảng 3 ngày. Giá thanh long mua tại vườn (mua xô) hiện chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000-15.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 3/2020. Dù đã thông quan nông sản với Trung Quốc nhưng trái thanh long hiện tiêu thụ khá chậm tại thị trường này.
Bên cạnh đó, với mặt hàng mít Thái, thời điểm này, các kho thu mua ở huyện Cai Lậy, Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, một số nơi cũng đã tạm ngưng phát giá cho thương lái đến thu mua tại vườn của nông dân, dù cách đó khoảng một tuần, giá loại sản phẩm này dao động trong khoảng từ 30.000-35.000 đồng/kg (loại 1)… Về tình hình xuất khẩu trái cây gặp khó cũng được Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin: Theo dự báo của các chuyên gia, các nhà phân tích, đầu tư, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng rất lớn tới xuất nhập khẩu nông sản trên toàn thế giới về trung hạn.
Bởi vậy, tới đây rất có thể trái cây trong nước lại vẫn phải trông chờ “giải cứu”.
Điểm sáng xuất khẩu gạo
Tuy nhiên, với mặt hàng lúa gạo, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan công bố mới đây cho thấy, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 929.000 tấn, thu về hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Philippines là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, chiếm 36% trong tổng kim ngạch, đạt 357.000 tấn, tương đương 155 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Iraq trong hai tháng đầu năm 2019 không tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng hai tháng đầu năm 2020, lượng xuất khẩu sang thị trường này rất cao đạt 90.000 tấn, tương đương 48 triệu USD. Malaysia là thị trường nhập gạo Việt Nam lớn thứ ba tăng 149% về lượng và tăng 128% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 10% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam.
Đáng chú ý, gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD. Ngoài thị trường Trung Quốc đại lục tăng mạnh nhất như trên, còn có một số thị trường cũng tăng rất mạnh như Pháp tăng 554 % về lượng và tăng 723% về kim ngạch; thị trường Đài Loan tăng 215% về lượng và tăng 258% về kim ngạch; Senegal tăng 172% về lượng và tăng 198% về kim ngạch; Nga tăng 218% về lượng và tăng 156% kim ngạch.
Qua số liệu thống kế như nêu trên, có thể thấy lúa gạo là mặt hàng “miễn nhiễm” trước dịch bệnh Covid-19 như nhận định của một số chuyên gia nông nghiệp. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia ngành lúa gạo, bức tranh xuất khẩu gạo của nước ta năm 2020 dự báo sẽ tốt, tăng cả lượng và giá.
GS Võ Tòng Xuân phân tích, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới chịu thiệt hại lớn do hạn mặn, sản lượng giảm gần 2 triệu tấn. Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ Việt Nam. Việt Nam cũng bị hạn mặn, song chỉ ảnh hưởng tới 28.000 ha lúa. Nhờ đó, nguồn cung gạo của Việt Nam vẫn rất dồi dào, chưa kể hai vụ lúa liên tiếp vừa qua đều được mùa, sản lượng tăng mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, theo GS Võ Tòng Xuân, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng. Do vậy, mặt hàng gạo Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Chưa kể, so với hai đối thủ Thái Lan và Trung Quốc, gạo Việt có giá xuất khẩu cạnh tranh hơn nên có thể giành lại thị phần ở những thị trường lớn.