Xuất khẩu vẫn chịu nhiều tác động mạnh từ bên ngoài

Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam 7 tháng qua đạt kết quả tích cực nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính, chịu tác động mạnh từ bất ổn trong chuỗi cung ứng, hoạt động logistics khu vực và toàn cầu…

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 7 tháng qua vẫn chịu nhiều tác động mạnh từ bên ngoài. Ảnh minh họa

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 7 tháng qua vẫn chịu nhiều tác động mạnh từ bên ngoài. Ảnh minh họa

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể: nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,35 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,6%).

Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn trong 7 tháng năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay. Ảnh minh họa

Xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay. Ảnh minh họa

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%.

Trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước.

Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 189,3 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 7 tháng ước đạt 11,46 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 22,1%; rau quả tăng 14%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 14,1%.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, để thúc đẩy xuất nhập hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp.

Trọng tâm là theo dõi tình hình chiến sự Nga - Ucraine; xung đột leo thang tại dải Gaza, Biển Đỏ; diễn biến xung đột thương mại Trung Quốc - EU; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.

Đồng thời, tiếp tục chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, các nhóm công tác song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan… nhằm tháo gỡ các khó khăn, rào cản, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang khu vực; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên nhằm tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ từ các đối tác phát triển, mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Cùng với đó, đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch…/.

ĐỨC ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-van-chiu-nhieu-tac-dong-manh-tu-ben-ngoai-33547.html