Xuất khẩu vũ khí của Mỹ đạt mức cao kỷ lục
Doanh số bán vũ khí của Mỹ cho các quốc gia đã tăng 16% trong năm tài khóa 2023, đạt mức trên 238 tỷ USD, một con số kỷ lục chưa từng có.
Báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cho biết, doanh số bán vũ khí qua các giao dịch trực tiếp giữa các công ty quốc phòng Mỹ và chính phủ nước ngoài đạt 157,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2023, tăng nhẹ so với mức 153,6 tỷ USD năm trước đó. Doanh thu thông qua trung gian cũng tăng từ 51,9 tỷ USD lên 80,9 tỷ USD.
Tổng cộng, xuất khẩu vũ khí Mỹ trong năm tài khóa 2023 đạt 238,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước đó và là con số kỷ lục từ trước tới nay.
Báo cáo nhấn mạnh rằng: "Chuyển giao vũ khí và giao dịch quốc phòng là các công cụ đối ngoại quan trọng của Mỹ, có thể tạo ra ảnh hưởng lâu dài đối với an ninh khu vực và toàn cầu."
Tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu vũ khí của Mỹ diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia NATO tăng cường khả năng quốc phòng để đối mặt với nguy cơ xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ba Lan, một quốc gia giáp ranh với Ukraine, đã là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ trong năm qua. Họ đã ký một thỏa thuận trị giá 12 tỷ USD để mua trực thăng chiến đấu AH-64E Apache và chi trả 10 tỷ USD để sở hữu pháo phản lực phóng loạt HIMARS, 4 tỷ USD cho hệ thống chỉ huy phòng không tích hợp IBCS và 3,75 tỷ USD để mua xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams.
Các quốc gia NATO khác như Đức, Cộng hòa Czech, Bulgaria và Na Uy cũng đã chi hàng tỷ USD để mua vũ khí từ Mỹ. Các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã ký nhiều thỏa thuận mua vũ khí quan trọng với Washington.
Doanh thu bán vũ khí của Mỹ tăng mạnh khi Nga, đối thủ chính của Mỹ trên thị trường xuất khẩu vũ khí, đối mặt với áp lực từ chiến sự ở Ukraine. Ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí của Nga đã trải qua sự suy giảm vị thế từ đầu những năm 2010 do sự cạnh tranh từ Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như các biện pháp cấm vận của phương Tây nhằm ngăn chặn các quốc gia khác mua vũ khí Nga.
Sau xung đột ở Ukraine, Mỹ và đồng minh đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Nga, làm cho nước này gặp khó khăn trong việc tiếp cận các linh kiện công nghệ cao để sản xuất khí tài và nhận tiền từ đối tác.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga cũng đang tập trung vào nhu cầu chiến sự thay vì xuất khẩu vũ khí, trong khi hình ảnh của khí tài Nga bị hủy hoại trên chiến trường, khiến một số quốc gia khách hàng lâu năm của Nga đặt câu hỏi về chất lượng của vũ khí mà họ mua từ nước này.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga giảm từ 22% trong giai đoạn 2013 - 2017 xuống còn 16% trong giai đoạn 2018-2022, trong khi Mỹ tăng từ 33% lên 40%.
Trong một tuyên bố tháng 11/2023, tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga cũng công bố rằng vũ khí do Moscow sản xuất đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn, đặc biệt là sau hiệu suất tích cực trong xung đột Ukraine.