Xuất khẩu xe hơi Trung Quốc gặp khó do xung đột trên Biển Đỏ
Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ nhằm vào các tàu hàng có liên quan Israel đã buộc các hãng tàu tránh xa tuyến hàng hải huyết mạch này. Điều này là cho chi phí xuất khẩu mỗi chiếc xe Trung Quốc sang châu Âu tăng ít nhất 20%, cao hơn bảy lần so với cùng thời điểm năm 2021. Cùng với đó, thời gian vận chuyển phải kéo dài thêm hai tuần.
Biển Đỏ nằm ở lối vào Kênh đào Suez, tạo thành tuyến vận tải đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu. Vì thế, vai trò của Biển Đỏ ngày trở nên quan trọng với thương mại giữa hai châu lục.
Xung đột Hamas – Israel bùng nổ ngày 7-10. Đến ngày 19-11, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố đã bắt giữ tàu chở xe hơi Galaxy Leader thuộc đồng sở hữu của một tỉ phú người Israel và một công ty Anh, do hãng tàu Nippon Yusen của Nhật Bản thuê và vận hành. Lực lượng Houthi cho rằng, con tàu là của Quân đội Israel, nhưng Tel Aviv đã bác bỏ. Phía Houthi tuyên bố, sẽ tiếp tục nhắm vào hoạt động vận tải biển của Israel cho đến khi xung đột giữa Israel và Hamas kết thúc.
Tính đến cuối tháng 11, lực lượng Houthi đã có nhiều vụ tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ, trong đó, có hai tàu liên quan đến Israel.
Các hoạt động của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ làm ngành vận tải biển “rúng động”. Điều này được thể hiện khi vài ngày sau vụ Galaxy Leader bị bắt giữ, một vài hãng tàu đã điều chỉnh hải trình nhằm tránh xa vùng biển này.
Đến ngày 27-11, hãng vận tải ZIM Integrated Shipping Services của Israel tuyên bố sẽ điều chỉnh lại lộ trình một số tuyến vận tải biển và thông báo đi liền với điều chỉnh này là thời gian vận chuyển sẽ dài hơn.
Nhà nghiên cứu về vận tải Wang Zheng Cheng thuộc tập đoàn CIB Research có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc nói rằng, nếu một con tàu chở xe hơi Trung Quốc phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) ở cực nam Nam Phi để đến châu Âu, chuyến hải trình sẽ dài thêm hai tuần. Wang nói với trang Caixin rằng, ngay cả khi phí thuê tàu không đổi, chi phí xuất khẩu mỗi chiếc xe hơi Trung Quốc sang châu Âu sẽ tăng 20%. Ông cho biết các chi phí khác như phí bảo hiểm tàu và chi phí an ninh cũng sẽ tăng đáng kể.
Để an toàn khi vận chuyển, các hãng tàu chở xe hơi từ Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc xuôi tàu về phương Nam qua Mũi Hảo Vọng để có một chuyến đi an toàn. Lý do tàu chở xe hơi Trung Quốc phải đi vòng vì thời gian qua, nhiều con tàu các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng đều thuê từ Ray Car Carriers, một chủ tàu có công ty mẹ được thành lập bởi Abraham Ungar, một doanh nhân ngành vận tải biển người Israel.
Báo cáo của trung tâm nghiên cứu thuộc ngân hàng China Merchants Bank công bố cuối năm ngoái cho thấy, Ray Car Carriers có 57 tàu chở hàng khổng lồ, có thể chở cùng lúc đến 355.000 chiếc xe hơi. Hãng này chiếm gần 9% tổng công suất vận tải toàn cầu.
Các hãng xe Trung Quốc đang đối mặt với chi phí vận chuyển cao hơn do nhu cầu xuất khẩu xe của Trung Quốc tăng đột biến, trong khi lượng tàu vận chuyển không ứng kịp nhu cầu. Điều này đã làm cho giá cước vận tải tăng mạnh. Theo dịch vụ vận chuyển và nhà cung cấp dữ liệu Clarksons, giá thuê tàu chở xe hơi (roll on roll off, viết tắt là RORO) có thể chở tới 6.500 xe đã lên đến 115.000 đô la vào hôm 30-11 vừa qua, tăng 5% so với cuối tháng 9. Mức giá này tăng 640% từ mức 15.000 đô la vào nửa cuối năm 2021.
Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc, các hãng xe Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 3,9 triệu xe hơi ra nước ngoài trong mười tháng đầu năm nay, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Caixin Global, Nikkei Asia