Xuất ngoại vì chuyên môn

Được thi đấu ở một câu lạc bộ (CLB) giàu tham vọng, có lực lượng cổ động viên cuồng nhiệt tại một nền bóng đá phát triển là mơ ước của nhiều cầu thủ Việt Nam. Bên cạnh khát khao thể hiện bản thân, được chinh phục những thử thách mới, cầu thủ cũng có cơ hội được cải thiện thu nhập để nuôi dưỡng đam mê.

Thực tế, những chuyến xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam vẫn chưa đem lại kết quả khả quan. Có nhiều thách thức, trong đó, cầu thủ gặp nhiều khó khăn khi phải làm quen với văn hóa mới, con người mới, đặc biệt là bất đồng ngôn ngữ. Những cái tên từng nổi đình đám sau vòng chung kết giải U.23 châu Á 2018 như Công Phượng, Quang Hải, Văn Toàn, Văn Hậu... đều chưa thể hiện được nhiều và thường xuyên phải làm bạn với ghế dự bị nơi đất khách quê người.

Các cầu thủ của chúng ta không phải không có tiềm năng, nhưng có lẽ việc xuất ngoại đa phần dựa theo cảm tính thay vì có lộ trình rõ ràng và cụ thể. Đa số cầu thủ xuất ngoại đều muốn thay đổi môi trường chơi bóng, tiếp xúc nền văn hóa mới, kèm theo đó là tư duy chơi bóng hiện đại và một khoản lương lớn hơn so với mặt bằng chung tại V-League. Nhưng để xuất ngoại thành công là chuyện không đơn giản với bất cứ một cầu thủ/nền bóng đá nào tại Đông Nam Á.

 Văn Toàn đầu quân cho Thép Xanh Nam Định sau khi không có nhiều cơ hội tại Seoul E-Land (Hàn Quốc). Ảnh: LÂM THỎA

Văn Toàn đầu quân cho Thép Xanh Nam Định sau khi không có nhiều cơ hội tại Seoul E-Land (Hàn Quốc). Ảnh: LÂM THỎA

Đa số thể hình của cầu thủ Việt Nam khá hạn chế, thiên về kỹ thuật nên khi tìm một đội bóng để xuất ngoại thì các CLB của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ là phù hợp hơn so với các CLB châu Âu. Ở một môi trường bóng đá khắc nghiệt thì tính bền bỉ cũng như thể hình lại càng được chú trọng, vì vậy, các cầu thủ không nên vội vàng chuyển sang những CLB lớn, mà thay vào đó có thể lựa chọn những CLB phù hợp với trình độ cũng như lối chơi của họ. Vì được ra sân nhiều sẽ là cơ hội để học hỏi và tỏa sáng, đặt nền móng cho những bước đi tiếp theo. Trường hợp của cầu thủ Chanathip Songkrasin (Thái Lan) là một ví dụ điển hình mà các cầu thủ Việt Nam có thể học tập. Dù cao chưa đầy 1,6m nhưng nhờ kỹ thuật ấn tượng cùng việc lựa chọn môi trường bóng đá phù hợp, nhiều năm liền, Chanathip Songkrasin đều tạo được dấu ấn tại Giải bóng đá vô địch quốc gia Nhật Bản.

Thiết nghĩ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần có trách nhiệm định hướng, liên hệ để những tài năng trẻ có cơ hội thi đấu và trưởng thành ở các CLB nước ngoài phù hợp. Cùng với đó, các CLB trong nước không ngừng rèn luyện, bồi đắp kiến thức về văn hóa, ngoại ngữ cho các cầu thủ. Để xây dựng một đội tuyển quốc gia mạnh, chúng ta cần có thêm những "lò" đào tạo bóng đá trẻ bài bản, chuyên nghiệp, cùng lộ trình chi tiết để các tài năng được xuất ngoại nhằm rèn luyện và trưởng thành hơn. Mong rằng, các trường hợp xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam trong thời gian tới với đội bóng nước ngoài vì yếu tố chuyên môn chứ không mang nặng tính thương mại, cầu thủ không phải đi phát tờ rơi quảng bá/quảng cáo du lịch.

ĐỨC DƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/xuat-ngoai-vi-chuyen-mon-758409