Xuất nhập khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới

Trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến đạt 783 tỷ USD (vượt hơn 100 tỷ USD so với năm 2023). Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra tại 'Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương', diễn ra chiều 23-12, tại Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, trong năm 2024, ước kim ngạch xuất khẩu đạt 403 tỷ USD. Điểm nổi bật là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, khi tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%). Đây cũng là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á, trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).

Với lực đẩy từ xuất khẩu, cán cân thương mại năm 2024 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2016) với mức thặng dư khá cao (ước đạt 23 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, song đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều tồn tại, trong đó hoạt động xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng trên 70%) nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI (như dệt may, da giày, điện tử), tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.

Mức độ tự do hóa thương mại và ký kết các FTA có xu hướng tăng nhưng còn hạn chế trong phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, chưa đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Nhiều ngành hàng chủ lực như nông, thủy sản, dệt may, da giày, điện tử vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chưa phát triển các sản phẩm công nghệ cao.

Để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 12% so với năm 2024, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn.

B.T - T.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/xuat-nhap-khau-cua-viet-nam-lap-ky-luc-moi-post306418.html