Xuất nhập khẩu giảm tác động mạnh đến số thu ngân sách

Năm 2023, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước cho ngành Hải quan là 425 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sắp hết quý III, tổng số thu được ghi nhận mới đạt khoảng 63% dự toán. Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành Hải quan đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Nguồn: Cục Thuế xuất nhập khẩu. Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Cục Thuế xuất nhập khẩu. Đồ họa: Hồng Vân

Nhiều nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực giảm

Đánh giá nguyên nhân của việc giảm thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Hải quan cho biết, chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế giảm.

Theo thống kê sơ bộ tới giữa tháng 9/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 464,08 tỷ USD, giảm 11,9%, tương ứng giảm 62,82 tỷ USD về số tuyệt đối (so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng có thuế giảm tới 19,3%.

Nhiều yếu tố giảm thu

Việc giảm mức thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% khiến số thu của ngành Hải quan mỗi tháng giảm khoảng 1.415 tỷ đồng. Việc hoàn thuế linh kiện ô tô, hoàn thuế đối với mặt hàng xăng dầu theo C/O và hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ khoảng 3.500 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2023, nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia bước vào giai đoạn giảm sâu. Tất cả đều góp phần tác động đến số thu của cơ quan hải quan.

Dẫn đầu là nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép và phế liệu, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… chiếm 56% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế, đã giảm 23,7%. Tiếp theo là nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt 5,8 triệu tấn, trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng nhưng giảm 1,9% về trị giá.

Đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc, 4 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu 13.529 chiếc, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 đạt bình quân chỉ đạt 8.117 chiếc/tháng, giảm 40%/tháng và giảm thu 1.100 tỷ đồng/tháng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số thu từ tháng 4 có xu hướng giảm dần.

Theo ông Nông Phi Quảng – Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), thông thường các năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu chịu thuế tăng từ 8 - 13%. Cá biệt có năm tăng tới 24%. Tuy nhiên, năm nay không những không tăng còn giảm hơn 19% so với cùng kỳ. Do đó thu ngân sách toàn ngành giảm mạnh.

Nhận định tình hình, ngay từ đầu năm, các đơn vị hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó góp phần tăng thu.

Ông Trần Ngọc Anh – Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) cho hay, lãnh đạo cục, lãnh đạo chi cục thường xuyên chủ động đến thăm hỏi làm việc tại trụ sở các doanh nghiệp có đóng góp số thu lớn; qua đó nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh cũng như lắng nghe, giải đáp ngay các vướng mắc phát sinh.

Ông Phạm Minh Đức - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan Hà Nội) chia sẻ, đơn vị kiểm soát và nắm chắc các nguồn thu theo từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng quý, so sánh cùng kỳ trên để đánh giá kết quả, tìm ra các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp kịp thời. Ngoài ra, lãnh đạo chi cục đã chỉ đạo, sát sao đến từng đội công tác trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho công tác xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, thực hiện thủ tục hải quan trên tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”.

Tích cực thu hút doanh nghiệp lại là giải pháp hiệu quả tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh). Kể từ đầu năm 2023 đến nay đã có 28 doanh nghiệp mới về làm thủ tục qua địa bàn, với 67 tờ khai, kim ngạch 146,72 triệu USD, đóng góp ngân sách 369,72 tỷ đồng. Đơn vị chủ động tìm hiểu, tiếp xúc, đồng hành tháo gỡ từng vấn đề mà doanh nghiệp còn e ngại như: các chi phí phát sinh về tuyến đường vận chuyển, phí ra vào địa điểm kiểm tra, phí soi chiếu…

Chưa thực hiện kế hoạch kiểm tra sau thông quan

Theo ông Nông Phi Quảng, trước những khó khăn thách thức, ngành Hải quan đã xác định, cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì ngành cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải. Cơ quan hải quan mở rộng việc ký kết nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại theo Đề án nộp thuế 24/7 và triển khai mở rộng Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu.

Để doanh nghiệp tập trung cho sản xuất kinh doanh, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đối với các trường hợp chưa cần thiết; chỉ thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Ngành Hải quan cũng sẽ tập trung các giải pháp chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ đọng thuế; thực hiện rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2023 theo 4 nhóm: Nhóm nợ khó thu; Nhóm nợ chờ xử lý; Nhóm nợ được khoanh; Nhóm nợ có khả năng thu hồi. Đồng thời, cơ quan hải quan áp dụng các giải pháp phù hợp theo quy định của pháp luật đối với từng nhóm nợ theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ban hành kèm theo Quyết định số 2317/QĐ-TCHQ ngày 24/10/2022 của Tổng cục Hải quan.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan cửa khẩu tăng cường các giải pháp kiểm soát về số lượng, chủng loại, tên hàng, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu; rà soát, đánh giá rủi ro và tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế đối với các doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu...

Toàn ngành tập trung rà soát, phân tích thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của ngành phục vụ công tác đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan. Đồng thời, các đơn vị rà soát xây dựng hồ sơ, trong đó trọng tâm vào các đối tượng rủi ro cao, tuyến đường, hàng hóa trọng điểm; áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro để ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng rủi ro và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ tốt.

Ông Nguyễn Tấn Hải – Công ty Thương mại dịch vụ giao nhận vận tải Vạn Phúc Hưng: Doanh nghiệp phải tự tìm đơn hàng

Những tháng gần đây, hàng tồn kho của doanh nghiệp còn khá lớn nên chúng tôi đã phải cắt giảm sản xuất. Vì vậy, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng giảm theo khiến số tờ khai nhập khẩu chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước. Hơn thế nữa, trước đây, hầu hết đơn hàng đều tự tìm đến chúng tôi. Năm nay, doanh nghiệp phải tự đi tìm đơn hàng. Khi tự tìm, các đơn hàng sẽ nhỏ lẻ, không đạt như kỳ vọng.

Ông Phan Quốc Đông - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội:

Hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp lớn

Ngay từ đầu năm Cục Hải quan Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thu ngân sách nhà nước và giao từng đơn vị. Các giải pháp được triển khai đồng bộ, trong đó đơn vị tập trung tổ chức trao đổi, giải đáp tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp, cũng như hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu những mặt hàng mới. Cùng với các giải pháp thường xuyên, năm 2023, đơn vị tập trung đối thoại với doanh nghiệp từ cấp cục đến các chi cục và thực hiện đầu năm 2023, sau đó dành thời gian đến với làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp lớn, có quy mô ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như số thu ngân sách trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc nếu có.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-nhap-khau-giam-tac-dong-manh-den-so-thu-ngan-sach-136756.html