Xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng có nhiều tín hiệu tích cực

Thống kê sơ bộ mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng tính từ đầu năm 2022 đạt 557,93 tỷ USD, tăng 15% (tương ứng tăng 72,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trị giá xuất khẩu tăng 17,2%

Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 9/2022 (từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2022) đạt 31,76 tỷ USD, tăng 20,6% (tương ứng tăng 5,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2022.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 9/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng tính từ đầu năm 2022 đạt 557,93 tỷ USD, tăng 15% (tương ứng tăng 72,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động phối hợp của cơ quan hải quan với doanh nghiệp kiểm tra thực tế hàng hóa tại Tân cảng Cái Cui (KCN Hưng Phú, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), ngày 7/7/2022.

Hoạt động phối hợp của cơ quan hải quan với doanh nghiệp kiểm tra thực tế hàng hóa tại Tân cảng Cái Cui (KCN Hưng Phú, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), ngày 7/7/2022.

Trong kỳ 2 tháng 9/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,44 tỷ USD. Tính chung trong 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 6,76 tỷ USD.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 387,77 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng gần 51,3 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 170,16 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 21,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể hơn, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 9 năm 2022 đạt 17,1 tỷ USD, tăng 34,2% (tương ứng tăng 4,35 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 9/2022.

Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 9 năm 2022 biến động tăng so với kỳ 1 tháng 9/2022 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,36 tỷ USD, tương ứng tăng 71,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 587 triệu USD, tương ứng tăng 33%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 381 triệu USD, tương ứng tăng 16,5%; hàng dệt may tăng 311 triệu USD, tương ứng tăng 25,7%...

 So sánh trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn.

So sánh trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn.

Như vậy, trong 9 tháng tính từ đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 41,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 9/2022 đạt 13,14 tỷ USD, tăng 37% tương ứng tăng 3,55 tỷ USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 9/2022 của nhóm các doanh nghiệp này lên 208,12 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 31,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Trị giá xăng dầu nhập khẩu tăng 74,7%

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 9/2022 đạt 14,66 tỷ USD, tăng 7,9% (tương ứng tăng 1,07 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 9/2022 tăng so với kỳ 1 trước đó chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 243 triệu USD, tương ứng tăng 29%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 169 triệu USD, tương ứng tăng 5,2%; xăng dầu các loại tăng 168 triệu USD, tương ứng tăng 74,7%…

 So sánh trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn.

So sánh trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn.

Như vậy, trong 9 tháng tính từ đầu năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 275,58 tỷ USD, tăng 12,8% (tương ứng tăng 31,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,69 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 729 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 9/2022. Tính trong 9 tháng/2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 179,64 tỷ USD, tăng 12,5% (tương ứng tăng 19,96 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Bên cạnh sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, việc kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao không thể không kể đến hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các đơn vị hải quan, nhất là đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính.

Cùng với đó, ngành Hải quan đã nâng cao mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp thông qua các buổi hội nghị để đối thoại, giải đáp vướng mắc và phổ biến văn bản pháp luật.

Qua đó, cơ quan hải quan lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ để tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn quản lý.

Tổng thu ngân sách của ngành Hải quan trong 9 tháng ước đạt 328.500 tỷ đồng, bằng 93,3% dự toán được giao, bằng 88,8% chỉ tiêu phấn đấu được giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ 2021.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-nhap-khau-hang-hoa-9-thang-co-nhieu-tin-hieu-tich-cuc-114444.html