Xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD
11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ ước đạt 100,62 tỷ USD. Hoa Kỳ duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88,05 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhập khẩu từ Hoa Kỳ ước đạt 12,57 tỷ USD, giảm 6,4%. Như vậy, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 75,45 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Việc kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều có sự sụt giảm do tình hình khó khăn chung trên thế giới. Dự báo thời gian tới, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều sẽ phục hồi.
Theo Bộ Công Thương, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua đã có sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ. Từ thời điểm năm 1994 đến nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022).
Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.
Cơ hội xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ngày càng được mở rộng khi mới đây, tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Lương Sơn, UBND huyện Yên Thủy, Công ty cổ phần Nông nghiệp RYB tổ chức xuất khẩu chuyến bưởi diễn đầu tiên với số lượng 16 tấn, trong 3 lô đơn hàng 48 tấn bưởi sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo Công ty cổ phần Nông nghiệp RYB, năm nay, chất lượng quả bưởi đã được thay đổi rất nhiều về độ ngọt, sản lượng, hình thức của quả... đạt yêu cầu khắt khe của thị trường. Bưởi diễn được xuất khẩu phải trải qua rất nhiều công đoạn và kiểm định đã đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, độ Brix và 900 hoạt chất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các dư lượng khác có liên quan đến an toàn thực phẩm do Phòng Kiểm nghiệm được Hoa Kỳ chấp nhận cho xuất khẩu.
Trước quả bưởi, Hòa Bình cũng xuất khẩu sản phẩm mía sang Hoa Kỳ.
Mới đây, tại Phiên họp toàn thể Hội đồng thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu. Thứ trưởng nhấn mạnh, các nội dung liên quan tới sở hữu trí tuệ, thương mại số và dịch vụ, lao động và nông nghiệp sẽ là những nội dung cốt lõi của trụ cột hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị hai nước tăng cường các hoạt động trao đổi chính sách, củng cố lòng tin chiến lược, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua cơ chế đối thoại của Hội đồng TIFA.
Cũng theo Bộ Công Thương, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối.
Đồng thời tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại. Đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức. Đặc biệt, từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ.
Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro.