Xuất siêu hơn 8,4 tỷ USD nhưng thiếu bền vững
Trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, bức tranh kinh tế của cả nước có nhiều điểm sáng, trong đó đáng kể là hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Theo ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công thương), một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2024 đó là xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng ở các khu vực kinh tế và tăng cao ở nhóm doanh nghiệp trong nước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Một số mặt hàng nông sản tăng cao như: cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao, trong đó nổi bật là thị trường Hoa Kỳ (ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; thị trường EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%.
Dù đạt được những kết quả tích cực, tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa đồng đều.
Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phải nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng ưu đãi từ các FTA để giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD
Báo cáo cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô.