'Xuất tướng' đến châu Á, Tổng thống Biden gửi gắm thông điệp gì?
Baoquocte.vn. Khu vực châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bằng chứng là Mỹ đã điều chỉnh một loạt hoạt động ngoại giao ở khu vực này thời gian gần đây.
Theo bài viết đăng trên báo The Straits Times (Singapore) số ra ngày 13/3, trong một tín hiệu mạnh mẽ gửi tới các đồng minh và Trung Quốc, Mỹ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh kéo dài 90 phút với các nhà lãnh đạo còn lại trong nhóm Bộ tứ (Quad) - gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - sáng 12/3 (theo giờ Mỹ).
Tiếp theo, ngày 14/3, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken tới Nhật Bản và Hàn Quốc để gặp gỡ các đồng minh. Trọng tâm thảo luận của các cuộc gặp 2+2 tại Tokyo và Seoul ngoài các vấn đề song phương là cách đối phó với Triều Tiên và cái mà họ gọi là "sự cạnh tranh" ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Sau đó, ông Austin sẽ đến Ấn Độ để gặp người đồng cấp Rajnath Singh, còn ông Blinken sẽ quay lại Mỹ để cùng Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan gặp ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 18/3 ở Anchorage, Alaska.
Và trong một tín hiệu khác về những ưu tiên của Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Tổng thống Biden tại Nhà Trắng. Theo thông báo của quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, thời gian vẫn chưa được ấn định. Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 14/3 đưa tin cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 9/4.
"Xoay trục sang châu Á" 2.0
Cách đây gần 10 năm, chính sách “xoay trục sang châu Á" của cựu Tổng thống Barack Obama đã gây xôn xao dư luận khu vực. Nhóm Bộ tứ cũng đã dần phát triển. Đối thoại giữa “các nước có cùng tư tưởng” - đó là các nền dân chủ - đã xuất hiện nhằm khắc phục những thiệt hại do trận động đất sóng thần ở châu Á năm 2004, đặc biệt là ở tỉnh Aceh của Indonesia.
Theo đánh giá của Tiến sỹ Denny Roy, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông-Tây ở Honolulu, thời gian đó, Bộ tứ đã "mất đà" vì Trung Quốc vẫn đem đến nhiều cơ hội hơn là mối đe dọa.
Tuy nhiên, ông cho rằng giờ đây, các nước Bộ tứ có mối quan tâm chung mạnh mẽ hơn trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Bộ tứ giống như một liên minh mới thành lập, và thái độ không liên kết mang tính truyền thống của Ấn Độ gần như không còn là một trở ngại.
Bắc Kinh đang phải đối mặt với một nhà lãnh đạo mới của Mỹ, người sẽ tập hợp chứ không xa lánh các đồng minh. Ông Joe Biden đang phối hợp với các đối tác quan trọng trước khi gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trước khi công bố một đường hướng chi tiết của Mỹ đối với Trung Quốc và Triều Tiên.
Kế hoạch của ông đang được xây dựng một cách cẩn thận. Một quan chức cấp cao trong Chính quyền Mỹ cho biết điều quan trọng là Mỹ cần thực hiện các cuộc tham vấn đó trước khi có hoạt động ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc.
Mỹ coi cuộc gặp Mỹ-Trung tại Alaska - cuộc gặp đầu tiên trên đất Mỹ - là cuộc gặp duy nhất để nêu rõ những lợi ích chiến lược của Washington, đề cập trực tiếp các vấn đề song phương, nhấn mạnh rõ ràng những lĩnh vực quan tâm, trong đó có vấn đề Tân Cương, Hong Kong, việc Bắc Kinh gây sức ép đối với Đài Loan và Australia…
Tuy nhiên, Washington cũng để ngỏ khả năng những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác như biến đổi khí hậu, những vấn đề liên quan đến phổ biến vũ khí hạt nhân...
Trung Quốc không phải "ra rìa"
Bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc thuộc Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng người Trung Quốc sẽ nhìn nhận Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ là một sự kiện tiêu cực nếu cuộc gặp Alaska không diễn ra vì nếu cuộc gặp diễn ra thì ít nhất Trung Quốc cũng có thể nghĩ rằng họ vẫn đang "được để mắt đến" chứ không bị gạt ra ngoài lề.
Theo thông tin trên tờ Thời báo Hoàn cầu, các chuyên gia Trung Quốc cho biết họ đã được xác nhận rằng Washington là bên gửi lời mời và địa điểm nằm ở một bang của Mỹ cách xa đất liền của họ.
Lý do là Mỹ hiểu rõ mức độ nhạy cảm của một cuộc gặp như vậy với Trung Quốc, nhưng cũng cần giao thiệp với Bắc Kinh càng sớm càng tốt. Điều này chứng tỏ Mỹ đang rất cẩn trọng và đánh giá cao các mối quan hệ với Trung Quốc.
Thông qua một loạt cuộc gặp và hoạt động ngoại giao vào tuần tới, cấu trúc can dự với các đồng minh, đối tác và đối thủ trong khu vực sẽ được xác định rõ.
Câu hỏi về tương lai của nhóm Bộ tứ vẫn còn đó. Quả thực, đây vẫn là một liên minh non trẻ, và Trung Quốc phàn nàn rằng nhóm này giống như một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) châu Á.
Cho đến nay, Bộ Tứ vẫn thiếu một cơ cấu được thể chế hóa, và chủ yếu vẫn chỉ bó hẹp trong lĩnh vực hàng hải. Chắc chắn, hội nghị thượng đỉnh này sẽ là một động lực, và các nước khác - thậm chí cả Anh - cũng dường như quan tâm đến việc gia nhập Bộ tứ.
Tuy nhiên, việc nhóm này sẽ đi theo hướng nào thì vẫn còn phải chờ xem. Theo đánh giá của Tiến sỹ Robert Manning, chuyên gia tại Trung tâm chiến lược và an ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Bộ tứ giống như chủ nghĩa đa phương phi thể thức.