Xúc động bài hát 'Người về thăm quê'
Cho đến tận bây giờ sau hơn 30 năm, 'Người về thăm quê' - bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến viết về phút giây Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An đầu tiên (năm 1957) vẫn gây xúc động mạnh mẽ từ giai điệu, lời ca…
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Thuận Yến - người con tài hoa của đất Duy Xuyên, Quảng Nam đã dành phần lớn những tác phẩm tâm đắc nhất viết về Bác Hồ. Giải thưởng Hồ Chí Minh Nhà nước tặng nhạc sĩ có chùm ca khúc về Bác rất đặc sắc: “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Việt Nam Hồ Chí Minh”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Miền Trung nhớ Bác” và “Người về thăm quê”. Có thể nói, nhạc sĩ đã theo trọn vẹn con đường Bác đi để vẽ nên những khoảnh khắc chân dung Người bằng giai điệu âm nhạc hết sức trang trọng, trìu mến và yêu thương.
“Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương. Người về đây thăm làng Chùa quê mẹ và làng Sen quê cha. Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ, thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo. Đi suốt cuộc đời mới được thăm quê hương”. Ngay từ câu mở đầu, giai điệu đã dâng trào một cảm xúc rơi lệ cho tất cả. Nhạc sĩ cho biết ông đã sử dụng giai điệu của điệu ru miền Trung cho ca khúc này, vì chỉ có lời ru của quê hương, của mẹ thì người ta mới da diết nhớ thương và chắc chắn Chủ tịch Hồ Chí Minh dù đi bốn phương trời cũng không sao quên được âm thanh tha thiết đó. Chúng ta phải nhớ rằng, Bác rời quê hương từ thuở thiếu niên và cho tới tháng 6-1911, Người rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng, tới khi trở về thăm quê là hơn nửa thế kỷ. Vì thế, phút giây Người bước vào sân ngôi nhà xưa, nay đều vắng lặng: Cha mất ở tận Đồng Tháp, mẹ an nghỉ ở núi Đại Huệ, anh chị đều không còn… - một cảm xúc không gì diễn tả nổi. Đây chính là cái khó của người sáng tác và nhạc sĩ Thuận Yến đã xử lý trọn vẹn rất con người và hợp tình hợp cảnh: “Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải. Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ. Gặp lại tuổi thơ đi nghe hát ơ... đò đưa”.
Sau phút giây sâu lắng tới tận cùng xúc động, tác giả đã vẽ một hình ảnh đầy bi tráng của Bác khi Người ngắm bầu trời quê hương xanh thẳm với những nỗi đau vời vợi của người con xa quê nay gặp lại. Trên phim ảnh chúng ta thấy Người lặng lẽ trong ngôi nhà của mình với các kỷ vật và khi bước ra, Người lấy khăn lau nước mắt. Nhạc sĩ Thuận Yến đã thể hiện khái quát bằng giai điệu: “Hồ Chí Minh! Người về thăm quê mang theo bao kỷ niệm. Hồ Chí Minh! Người để lại quê hương nỗi nhớ không nguôi”.
Lời hai của ca khúc tiếp nối bức tranh quê hương hiện tại, đó chính là thành quả của sự hy sinh gần 30 năm qua của Người, chính Người đã làm rạng rỡ quê hương, làm cho non sông gấm vóc thêm sắc màu.
“Người về thăm quê” có một giai điệu thiết tha, trìu mến đầy khắc khoải của một tâm hồn lớn, đây cũng thể hiện thế mạnh của Thuận Yến vì trong nhiều ca khúc, người nhạc sĩ tài hoa này sử dụng những nét nhạc trữ tình đậm chất xứ Quảng. Bài hát này ban đầu được giọng nam trung Quang Phác của Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện nhưng thực sự không ấn tượng, chỉ đến khi giọng ca đậm nữ tính NSND Thu Hiền thể hiện với sự phối khí đúng chất dân ca thì bài hát mới bay bổng như một làn mây trắng giữa bầu trời thu. Thu Hiền đã thể hiện tất cả những âm vực sâu lắng nhất của tâm hồn Hồ Chí Minh khi “Người về thăm quê”.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn say mê đi tìm những giai điệu mới để viết về Bác Hồ, ông coi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Dương Trang Hương