Xúc động buổi giao lưu thơ nhạc với thương bệnh binh nặng ở Nghệ An
Trong khuôn khổ các hoạt động tri ân kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh, liệt sỹ, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An tổ chức buổi giao lưu xúc động.
Cùng dự buổi giao lưu có ông Hồ Mậu Thanh, Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An; ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An.
Nhà thơ Lăng Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ thơ “Tao đàn mùa Xuân” cho biết, đây là lần thứ 3 Câu lạc bộ phối hợp Hội văn học Nghệ thuật Nghệ An giao lưu với các thương bệnh binh của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, nhằm tri ân các thương, bệnh binh, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ, các gia đình chính sách đã cống hiến máu xương cho sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây còn là hoạt động mang ý nghĩa giáo dục các thế hệ về trách nhiệm của những người được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Hơn 40 văn nghệ sĩ đã trình bày các bài thơ, nhạc, mang tình cảm nồng ấm, chia sẻ với những người có công.
Nhà thơ Lăng Hồng Quang chia sẻ: "Trong số Văn nghệ sĩ chúng tôi cũng có nhiều anh em đã từng là người lính xông pha trận mạc nhưng đến đây cũng đều rưng rưng, đều thấy mủi lòng, đều muốn nói một điều gì đó, đều muốn đọc một bài thơ nào đó để bày tỏ tấm lòng mình đối với những thương binh, bệnh binh, những người đã cống hiến cả tuổi xanh của mình cho đất nước".
Tại buổi giao lưu, các thương, bệnh binh cũng đã góp những vần thơ, bài hát thể hiện ý chí, tình cảm của mình, quyết tâm vượt qua thương tật, làm theo lời Bác Hồ đã dạy, “Thương binh tàn nhưng không phế”. Ông Ngô Xuân Kiện, ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, thương tật 95%, cho biết: Đi bộ đội sớm, không được vào đại học nhưng quân đội đã dạy ông thành người, nay đã bước sang tuổi 75, mình phải sống sao cho con cháu yên tâm công tác: "Cảm xúc của tôi rất vui, các anh các chị Hội nhà văn Nghệ An cũng như là hội Tao đàn thơ đã tiêm thêm sức mạnh cho thương binh chúng tôi vơi bớt được những nỗi đau. Tôi thực sự rất cảm động".
Ông Nguyễn Thiếu Lâm, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An cho biết, hiện Trung tâm quản lý 67 Thương bệnh binh nặng đến từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó Nghệ An 37 người, Hà Tĩnh 30 người, gồm 3 thế hệ thương bệnh binh là Chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế.
Người nhiều tuổi nhất là cụ Phan Huy Phác, 87 tuổi, là bệnh binh chống Pháp và người ít tuổi nhất cũng đã 52. Vì vậy, đơn vị xác định, cán bộ trung tâm phải tận tâm chia sẻ thương tật với các thương, bệnh binh, bởi có hơn 2/3 là thương binh đặc biệt nặng, có 39 người ngoài vết thương còn bị nhiễm chất độc màu da cam.
"Công tác phục vụ ở đây, cán bộ và thương binh như trong gia đình. Các em cũng coi các bác như bố, người thân và đồng thời các bác cũng coi các em như các con các cháu và đó cũng là hướng đến của đơn vị, tại vì đây phải là như một gia đình", ông Nguyễn Thiếu Lâm chia sẻ./.