Xúc động cảnh 'bà chăm ông' ở tuổi ngoài 70
Quen nhau, yêu nhau và nên duyên, chung sống gần 50 năm, cặp vợ chồng già vẫn nắm tay nhau, xưng hô anh – em ngọt ngào khiến biết bao người cảm động. Trong suốt nửa thập kỷ ấy, hai ông bà cũng có những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, nhưng cái tình, cái nghĩa cũng vẫn như cây cau, dây trầu vướng vào nhau không chịu tách rời.
Nhìn cảnh hai ông bà chăm nhau tại bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, ai nấy đều xúc động. Vừa dùng đôi tay nhăn nheo đồi mồi nắn bóp chân cho ông Hoàng Trọng Sở, bà Nguyễn Thị Thi, vợ ông vừa thủ thỉ trò chuyện với ông. Bà Thi bảo, người già đã khó tính, người già ốm đau nằm một chỗ còn khó tính hơn. Không biết bao lần bà giận cái khó của ông, nhưng rồi lại nghĩ ông đau yếu lại chẳng giận nổi nửa ngày.
Bà sinh ra ở đất Thái Nguyên, ông là trai Hà Nội. Khi 20 tuổi, bà tốt nghiệp kế toán ở Thái Nguyên thì được phân công về làm kế toán tại Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1973 bà quen ông Sở, yêu và nên duyên với ông. Những năm tháng thời bao cấp ấy biết bao vất vả mà vẫn vượt qua được, huống chi bây giờ, con cháu đề huề thành đạt, lại nỡ lòng nào chẳng thể yêu chiều nhau. Bà nghĩ thế.
“Còn nhớ vào thời kỳ bao cấp vất vả, nhà trường phân cho 18 mét tập thể, chia đôi với một hộ gia đình khác, hai vợ chồng chỉ được 9 mét. Ông ấy đi công tác suốt ngày, mãi đến khi sinh đứa con thứ 3, ông được về trường Đại học Tổng hợp làm thì mới đỡ đần được nhau. Vậy mà thấm thoát cũng đã 47 năm rồi, tình cảm vợ chồng có lúc vui lúc buồn nhưng đâu có thể xa rời nhau được”, bà Thi tâm sự.
Năm 2007, ông Sở bị tai biến phải nằm viện điều trị, những tháng ngày này chỉ có bà là người luôn bên cạnh chăm sóc động viên ông. Còn nhớ buổi chiều năm ấy, ông đi làm về vẫn sinh hoạt bình thường, nửa đêm ông thấy nóng đầu nên quay về phía quạt, chẳng ngờ đến sáng thì bị tai biến, ú ớ không nói được, phải đưa đi cấp cứu. Điều trị một thời gian, ông về nhà lại đi lại được… Rồi cứ thế, 13 năm trời đằng đẵng, bà Thi sống chung với bệnh tật của chồng, trở thành “cây gậy” để ông dựa vào, dò dẫm đi từng bước. Ở cái tuổi ngoài bảy mươi này, bà Thi cũng chẳng khỏe mạnh gì, nào là bệnh huyết áp, nào là bệnh đau lưng… nhưng vì ông nằm viện nên bà gắng gượng chăm ông trước. Thế mới thấy cái tình nghĩa của vợ chồng già muôn đời vẫn nặng sâu như thế.
Bà Thi kể, vì ốm đau nên ông có những lúc khó ở, bà cũng vì vất vả chăm chồng mà trở nên cáu gắt, có lúc còn “quát to” với ông. Cái sự bực mình thì chẳng bao giờ hết, kể cả với những cặp vợ chồng trẻ cũng thế thôi, huống hồ ông đang bị bệnh. Chính vì thế, đôi khi bị chồng gắt, bà cũng tủi thân, cũng bực mình, cũng cự nự nhưng cuối cùng vẫn là sự thấu hiểu và nhường nhịn nhau.
“Hồi trẻ ông ấy là dân địa chất, phải đi công tác khắp mọi miền, giờ bị tai biến đi lại khó khăn nên rất khó chịu, bức bối. Cho nên người vợ đôi khi phải nhẫn nhịn để xoa dịu cơn đau cho chồng, và hơn hết là giữ không khí gia đình vui vẻ để con cháu nhìn vào nề nếp mà sống”, bà Thi tâm sự.
Thế nhưng đa số thời gian là ông bà dành cho nhau sự chăm sóc, ôn hòa. Ông thích nói những lời tình cảm, thích gọi nhau anh, em ngọt ngào. Bà thì yêu chiều, chăm sóc cận kề bên ông, dù có đông con cháu vẫn không bằng “bà chăm ông”.
Gần nửa thập kỷ đồng hành bên nhau, hơn mười năm chăm sóc nhau lúc ốm đau bệnh tật, khó có thể nói hết những vui buồn, những lúc sóng gió, nhưng bà Thi tự hào rằng mình đã dành trọn cái tình, cái nghĩa cho chồng. Khi còn trẻ thì vất vả mưu sinh, lúc trưởng thành thì lo cho con cho cháu, lúc về già lại vật lộn với bệnh tật… nhưng quan trọng vẫn là sự đồng cảm và yêu thương. Bà Thi chỉ mong mình có nhiều sức khỏe để chăm ông, cùng ông đi cho trọn vẹn chặng đường tình nghĩa.