Xúc động cảnh cậu bé lớp 4 làm 'hoa tiêu' giúp người đi xe tránh ngập úng
Để người dân không đi vào chỗ ngập nước trên đại lộ Thăng Long (TP Hà Nội), cậu bé lớp 4 cùng người thân đứng làm hoa tiêu chỉ đường nhiều giờ khiến cộng đồng mạng cảm động.
Hình ảnh cậu bé lứa tuổi tiểu học cùng người thân mang biển chỉ dẫn cảnh báo đường ngập cho người dân đi xe máy ở Hà Nội đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Trong hình ảnh và video đang được lan truyền, cậu bé này đứng ở đoạn đường gom đại lộ Thăng Long hướng từ nội thành đi Hòa Lạc, cách Hòa Lạc 2km, mang theo biển chỉ dẫn ghi dòng chữ "đường ngập, đi lối này" kèm mũi tên rẽ phải vào đường nhỏ bên cạnh.
Để thu hút sự chú ý của người qua đường, biển hướng dẫn được làm nổi bật thêm bằng cành cây và lá cờ màu đỏ. Trên lề đường, cách cậu bé vài bước chân là một người đàn ông cũng đang cố gắng gửi tín hiệu cảnh báo.
Cậu bé đó là Phùng Xuân Giáp, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội, còn người đàn ông là chú của em. Hai chú cháu vừa vẫy vừa dang rộng cánh tay chỉ về hướng nên đi theo để tránh ngập.
Nhận được cảnh báo, nhiều người đi xe máy tin tưởng rẽ theo sự điều hướng của hai chú cháu và thoát được cảnh ngập xe, chết máy. Nếu cứ tiếp tục đi vào đoạn đường ngập, họ sẽ bị mắc kẹt vì mức nước ngập khá cao. Để qua khỏi chỗ ngập, nhiều người phải thuê xe bò để kéo xe máy với giá 50 nghìn đồng.
Trao đổi với PV, anh Phùng Văn Xuyên (SN 1981, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) - bố của cháu Giáp cho biết, thương bà con lao động vất vả, một ngày công chẳng được là bao, vòng đi, vòng về thuê xe kéo mất đến hàng trăm nghìn để vượt qua đoạn đường ngập, anh Xuyên cùng con và một số anh em trong gia đình là người địa phương nên biết đường khác có thể tránh ngập.
"Chúng tôi làm việc này xuất phát từ cái tâm, không nhận bất cứ một đồng công nào", anh Xuyên nói.
Trực tiếp đứng phân luồng tại thời điểm PV ghi hình, anh Nguyễn Văn Tâm (trú tại thôn 4, xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất) cho biết, thấy cảnh người dân bị hỏng, chết máy do ngập nước, tranh thủ thời gian rảnh anh cũng tham gia phân luồng, giúp người dân tránh ngập.
"Chúng tôi giúp mọi người, chẳng cần đồng công gì cả, người ta đi qua cảm ơn một câu là tôi vui rồi. Người ta cũng là dân lao động làm ăn vất vả", anh Tâm cho hay.