Xúc động chương trình 'Ai có thì cho - Ai cần thì lấy'
'Khi bạn có bộ quần áo nhưng không dùng, khi bạn có một đôi giày nhưng không đi… hãy đừng để lãng phí mà mang đến cho chúng tôi. Sẽ có người cần đến nó, cho đi để nhận lại' - Đó là thông điệp đầy ý nghĩa, nhân văn từ chương trình 'Ai có thì cho - Ai cần thì lấy' của thầy và trò Trường THPT Quan Sơn.
Học sinh, thầy cô Trường THPT Quan Sơn đang phân loại quần áo từ tủ quyên góp
Sáng sớm vùng cao Quan Sơn, không gian ken quánh bởi những sương mù bao phủ, kèm cái lạnh se sắt. Từ những con đường mòn lởm chởm sỏi đá, ướt nhẹp, trước mắt tôi là hình ảnh những tốp học sinh đang nai mình trên những chiếc xe đạp cọc cạch, vượt dốc đến trường. Huyện vùng cao còn nghèo quá, cái nghèo hiện rõ qua những gì tôi đang chứng kiến, là cảnh các học sinh khó nhọc vượt những con đồi đất, trên mình bộ quần áo sờn cũ đến trường với ước mơ theo đuổi con chữ, và niềm tin về một tương lai tươi sáng.
Dừng xe sau mươi phút vượt con dốc bản, hơi thở còn hổn hển nhưng Hà Thị Huệ (Bản Cum, xã Trung Tiến) vẫn kịp nở nụ cười tươi tắn khi tiếp nhận câu hỏi của chúng tôi. “Leo dốc mệt chú ạ, cơ mà lên đỉnh rồi thì không còn lạnh nữa! Mùa hè thì vất vả hơn, đổ mồ hôi nhiều và mất sức” - Huệ cười dí dỏm. Ít ai biết, cô bé học sinh lớp 11 mảnh khảnh ấy lại có một hoàn cảnh hết sức éo le. Mẹ mất sớm, anh trai tật nguyền, mình bố của Huệ phải nỗ lực làm nông để nuôi 2 anh em. Nhà nghèo, khó khăn, được đến trường với Huệ là cả một sự nỗ lực, may mắn. Cũng nhờ sự quan tâm, động viên của thầy cô cùng nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, Huệ cho chúng tôi thấy sự quyết tâm theo đuổi sự học của mình.
Nói về chương trình tủ quần áo “Ai có thì cho - Ai cần thì lấy”, Huệ chia sẻ: “Em thấy chương trình về tủ quần áo quyên góp cho những hoàn cảnh khó khăn của nhà trường hết sức ý nghĩa. Không chỉ quyên góp, trao đi những bộ quần áo cho học sinh khó khăn mà chương trình dành cho tất cả mọi người. Nhà bạn nào có em, hàng xóm có cô dì chú bác cần thì cũng đều có thể tiếp nhận”.
Sau tiếng trống trường đầu giờ sáng, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn dẫn chúng tôi tham quan mô hình. Đó là một tủ kính được thiết kế chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn đều được phân loại rõ dành cho nam, cho nữ. Trong đó, có cả ngăn dành cho người lớn, trẻ nhỏ từ 10 đến 15 tuổi và dưới 10 tuổi.
Chia sẻ về chương trình thiết thực và nhân văn này, thầy Đạo nhớ, chương trình là ý tưởng của các thầy cô được triển khai cách đây 3 năm. Ban đầu, quần áo sau khi được quyên góp, thầy cô, học sinh Đoàn trường sẽ phân loại, gấp xếp gọn gàng rồi cấp phát cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nhiều em khi tiếp nhận quần áo dù vui nhưng cũng bày tỏ về sự ngượng ngùng với bạn bè. Vì vậy, kể từ năm học 2021 - 2022 trở đi, nhà trường sau khi tiếp nhận sẽ không cấp phát mà thay vào đó, các em tự nhận quần áo ngoài tủ bất kể lúc nào. Sự thay đổi này đã tạo ra hiệu quả nhất định.
Nhìn vào chiếc tủ quần áo trống rỗng, chỉ còn một vài bộ, thầy Đạo như phân bua với tôi rằng, nguồn “cung” không đủ so với nhu cầu thực tế. Mùa Đông đến rồi, mà nguồn đóng góp, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức… năm nay chưa thấy. Các thầy cô đang rất mong nguồn đóng góp về quần áo ấm. Không nhất thiết phải là trang phục, đồng phục cho học sinh mà bất kể loại quần áo ấm nào, lứa tuổi nào cũng rất cần. Đơn giản bởi tủ quần áo cho tất cả mọi người. Các em chưa có thì có thể tiếp nhận về cho bố mẹ, cho em út hay người thân của mình như ông bà, chú bác…
Thời gian vừa qua, ngoài việc tiếp nhận quần áo ấm từ Nhân dân, thì theo cô Trần Thị Phương, Bí thư Đoàn trường cho biết, nhà trường đã tiếp nhận quyên góp từ một số tổ chức, cá nhân. Có nhiều cửa hàng quần áo, nhà máy… có hàng bị lỗi, nhỡ hợp đồng dưới xuôi đã đóng thành những bao bì chuyển lên nhà trường. Đây là những hành động hết sức ý nghĩa. Song, theo cô Phương, chương trình cũng còn nhiều khó khăn khi thực tế sự lan tỏa còn chưa rộng rãi, nguồn tiếp nhận còn giới hạn, bó hẹp.
Trước khi chia tay thầy trò nhà trường, tôi thấy, những học sinh, phụ huynh từ bản làng xa xôi đạp xe đến tận trường để tiếp nhận bộ quần áo. Né ánh mắt có phần ngượng ngùng, nhưng tôi hiểu đằng sau đó là nụ cười, niềm hạnh phúc…Với người viết bài viết này, tôi mong sao sẽ có nhiều hơn những hỗ trợ, đóng góp từ cộng đồng, các nhà hảo tâm đến với mô hình tủ quần áo “Ai có thì cho - Ai cần thì lấy” của trường THPT Quan Sơn. Đặc biệt là những bộ quần áo ấm khi cái giá lạnh của mùa đông đã cận kề.