Xúc động chuyện nữ thương binh tham gia cách mạng từ 11 tuổi
'11 tuổi tôi tham gia cách mạng. Vì còn nhỏ quá, thời gian đầu, tôi chỉ làm liên lạc. Tôi đi trước làm liên lạc, xem xét tình hình, các chú bộ đội theo sau, nếu có gì bất thường sẽ ra ám hiệu cho các chú bộ đội biết', nữ thương binh ¼ Trương Hồng Dân kể về những tháng ngày hào hùng của mình.
Chiều 24/7, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu giữa thế hệ trẻ với gần 400 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, nhân dịp 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7, với chủ đề: “Tự hào truyền thống – Tiếp bước cha anh”.
Nữ thương binh ¼ Trương Hồng Dân, sinh năm 1948, tham gia cách mạng khi mới 11 tuổi, từng là Trung đội trưởng nữ pháo binh huyện Giá Rai, đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Hiện nay, bà đang sinh sống tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Giác ngộ, đi theo cách mạng từ sớm, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của bác là bị địch bắt khi đang mang tài liệu từ thành phố về báo cáo đơn vị. Lúc đó, bác chỉ mới 14 tuổi. “Giặc bắt, tra tấn đủ mọi loại hình, đến mức liệt cả hai tay, hai chân nhưng tuyệt nhiên tôi không khai báo bất cứ thông tin gì”, bác Dân kể lại. “Sau 2 năm giam cầm, 16 tuổi tôi được thả tự do, về làm đơn đi bộ đội luôn”.
Thương binh ¼, sinh năm 1959, nhập ngũ năm 1976. Tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới và bị thương nặng năm 1979. Sau thời gian chữa bệnh trở về địa phương, bác Thoàn mở cơ sở chữa bỏng và chưa trị miễn phí cho hàng chục nghìn người trong suốt 30 năm qua. Hiện nay đang sinh sống tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Bác Đào Viết Thoàn là thương binh “tàn nhưng không phế”. Tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới và bị thương nặng năm 1979, bác Đào Viết Thoàn mất nhiều năm trời nằm tại bệnh viện, ở chùa để điều trị vết thương từ chiến trường. Quãng thời gian đó, bác đã đọc tài liệu, tự nghiên cứu, chế tạo thành công thuốc chữa bỏng được Bộ Y tế công nhận. Bác mở cơ sở chữa bệnh, đến nay đã chữa khỏi thành công cho gần 29.000 bệnh nhân. Đặc biệt, suốt 30 năm qua, bác đã khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em, trị giá gần 7 tỷ đồng. “Những con số trên sẽ không dừng lại, tôi sẽ tiếp tục cống hiến điều trị, chữa bệnh mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân hơn nữa”, bác Đào Viết Thoàn nói.
Tại buổi giao lưu, tọa đàm, thay mặt tuổi trẻ cả nước, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với các thương binh nặng có mặt tại chương trình. Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, tuổi trẻ cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho rằng buổi giao lưu, tọa làm là một cơ hội thực sự quý giá để bạn trẻ ngày nay hiểu sâu sắc hơn truyền thống hào hùng của dân tộc, cũng như sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. “Thông qua những câu chuyện của các bác, các cô, các chú, góp phần củng cố niềm tin, hun đúc lòng yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ hôm nay. Thế hệ trẻ sẽ luôn khắc ghi công ơn và không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong mỗi vị trí công việc của mình để xứng đáng hơn với truyền thống dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.