Xúc động chuyện thầy cô và bạn bè cứu nam sinh gặp nạn: 'Bác sĩ cứ mổ đi, tôi đảm bảo máu không thiếu'
Thấy học sinh gặp tai nạn trên đường đến trường, thầy giáo Võ Văn Cư đã nhanh chóng đưa em đến bệnh viện và không ngần ngại ký vào bản cam đoan chịu trách nhiệm thay cho cha mẹ học sinh chưa đến kịp.
Câu chuyện về thầy giáo Võ Văn Cư (dạy môn Giáo dục công dân trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) cứu học trò bị tai nạn trên đường đang được chia sẻ rộng rãi và nhận được "cơn mưa" lời khen từ cộng đồng mạng.
Lúc 13h45 ngày 26/4, em Nguyễn Thanh Hải (học sinh lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) trên đường đến trường đã tránh chiếc xe tải đi ngược chiều và tông vào chậu kiểng nhà dân bên đường. Vụ tai nạn khiến em Hải bị chấn thương nặng.
May mắn lúc này, thầy giáo Võ Văn Cư trên đường đi dạy đã lập tức dừng xe máy xem xét tình hình. Thầy Cư kể: "Thấy có vụ tai nạn giao thông nên tôi ghé lại xem có ai là người quen hay học sinh của mình để chăm sóc. Bất ngờ thấy học sinh nằm bên đường, có một số người dân đứng xung quanh lót cặp lên đầu cho em nằm. Nhìn em trên người lại không xây xát, trầy trụa gì nhưng mặt mày tái mét và thở rất mệt".
Người dân khu vực nói chờ người thân đến nhưng thấy em học sinh trong tình trạng nguy kịch nên thầy Cư quyết định đưa em đi cấp cứu dù có tiết dạy ở trường. Sau đó, thầy Cư nhờ một học học sinh khác ngồi sau để chở em đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó.
Tại đây, các y bác sĩ thực hiện sơ cứu ban đầu và nói phải chuyển gấp đi Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận cấp cứu. "Lúc này, người thân cũng không liên lạc được với ai, gấp quá tôi gọi xe cấp cứu chở em lên Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận cách khoảng 50km", thầy Cư nói.
Sau khi siêu âm, chụp X quang, bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc bệnh viện chẩn đoán: "Em Hải bị vỡ gan, phải mổ để sơ cứu và cần có ngay từ 4 - 6 đơn vị máu tươi. Có 2 phương án, một chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, hai là mổ tại chỗ. Nhưng, nếu chuyển viện vào Sài Gòn, bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi. Nếu mổ tại đây thì hiện tại bệnh viện đang thiếu máu".
Trước tình huống cấp bách, để cứu học trò thầy Cư không ngần ngại ký vào bản cam đoan chịu trách nhiệm thay cho cha mẹ em Hải đang ở TP. HCM chưa đến kịp: "Bệnh viện cứ mổ cho em. Tôi đảm bảo máu không thiếu".
Ngay lúc đó, thầy Cư nhắn thông tin cần máu để cứu giúp em Hải cho thầy Nguyễn Tấn Nha - Hiệu trưởng nhà trường, và các giáo viên.
Rất nhanh sau đó, những thầy cô và học sinh có nhóm máu O, B đã tự nguyện lên xe nhà trường thẳng tiến đến bệnh viện để cứu học trò, cứu bạn.
Sau ca mổ kéo dài gần 2 giờ, đến sáng 27/4, em Hải đã hồi tỉnh, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Hồ Ngọc Sơn trao đổi với PLO: "Đối với trường hợp em Nguyễn Thanh Hải, rất may các thầy cô và bạn bè của em đã kịp thời tiếp máu và chúng tôi đã truyền 6 đơn vị máu để cứu sống Hải. Trong vụ việc này, công việc của bác sĩ chỉ là công việc thường quy phải làm, là nhiệm vụ bình thường để cứu sống bệnh nhân.
Hành động đáng ca ngợi và cảm động nhất là giáo viên đã kịp thời đưa học trò đến bệnh viện cấp cứu và thầy cô, học sinh trong trường đã kịp thời hiến máu để cứu sống học trò, bạn bè của mình".