Xúc động chuyện về những người lặng lẽ trao tặng giọt máu hồng
Nhiều câu chuyện cảm động đã được các 'chiến sĩ' hiến máu tình nguyện trải lòng trong buổi tề tựu ở Thủ đô Hà Nội tham gia lễ Giọt hồng tri ân.
Từ ngày 27/7 đến 29/7, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương tổ chức chương trình Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023 với chủ đề "Giọt hồng tri ân".
"Kỷ lục gia" với hơn 100 lần hiến máu tình nguyện
Tham dự chương trình Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023, anh Trần Minh Mến, đội trưởng Đội Ngân hàng máu sống xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã dành lần hiến máu thứ 102 tại Thủ đô. Anh Mến bén duyên với hoạt động hiến máu từ khi chứng kiến người trong làng bị tai nạn giao thông qua đời vì không được tiếp máu kịp thời.
Sống cùng mẹ già hơn 90 tuổi với công việc bảo vệ tại Bách hóa Xanh, nhưng cách đây 2 năm, sau khi được các mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà ở, người mẹ khuyên anh nghỉ việc để đi vận động hiến máu như một cách trả ơn cuộc đời.
“
Trong số 100 đại biểu được tôn vinh năm nay, đại biểu lớn tuổi nhất là 61 tuổi, đại biểu trẻ nhất 22 tuổi. Có 10 người đã hiến máu từ 19-29 lần, 60 người đã hiến máu từ 30-49 lần, 20 người hiến từ 50-69 lần, 8 người hiến từ 70-99 lần và 2 người hiến máu từ 100 lần trở lên.
”
Đội Ngân hàng máu sống mà anh Mến tham gia có 80 người, với đầy đủ các nhóm máu. Họ sẵn sàng hiến máu cho các bệnh nhân tai nạn giao thông, sản phụ cần cấp cứu, bệnh nhân chạy thận… bất cứ khi nào nhận điện khẩn từ bệnh viện dù đêm hôm, mưa gió.
Anh Mến chia sẻ, anh nhớ nhất một bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã được anh cùng các đồng đội của mình vận động 50 đơn vị máu nhóm B trong suốt nhiều năm. Riêng bản thân anh đã hiến cho người đó 12 đơn vị máu. Với anh Mến, niềm vui lớn nhất của những người tham gia công tác vận động và trực tiếp hiến máu tình nguyện là được thấy bệnh nhân khỏe mạnh, trở về cuộc sống bình thường.
Còn với anh Lê Đức Lâu, Phó chủ nhiệm CLB hiến máu nhân đạo Giọt hồng Pleiku, Gia Lai cũng đã 40 lần hiến máu. Anh Lâu đến với hiến máu tình nguyện từ năm 1995. Kỷ niệm khiến anh Lâu nhớ nhất đó lần tự lái xe vượt hơn 45km từ Pleiku lên Kon Tum để hiến tiểu cầu máu cho bệnh nhân tại TP Kon Tum năm 2020.
Đôi mắt anh Lâu ánh lên sự tự hào khi nhắc tới 3/5 thành viên trong gia đình đều tham gia hiến máu tình nguyện. Con trai thứ 2 của anh Lâu hiện đang là sinh viên cũng trở thành tình nguyện viên của Hành trình Đỏ “Giọt hồng Cao nguyên” lần thứ 8 năm 2023 tại Pleiku. Chàng sinh viên cũng có lần hiến máu đầu tiên đầy ý nghĩa trong mùa hè này.
“Hạnh phúc, vinh dự và trách nhiệm” đó là cảm xúc của anh Lâu khi lần đầu tiên đến với Thủ đô tham dự lễ Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc.
Nhắc đến cơ duyên với hiến máu, anh Trần Văn Thể (Cà Mau) cho hay: “Hồi nhỏ tôi có một người chị, không may chị mắc bệnh nặng cần máu để truyền gấp, khi đó việc vận động cực kỳ khó khăn và chị ấy đã không qua khỏi. Điều này hối thúc bản thân tôi phải đi hiến máu thường xuyên để cứu giúp những nạn nhân để không ai phải thiếu máu cấp cứu như chị.
“Lần đáng nhớ nhất trong hành trình hiến máu là hiến tiểu cầu lúc 10h đêm khi nhận được cuộc điện thoại khẩn từ bệnh viện tỉnh Kon Tum. Khi xong xuôi đã 3h sáng, mặc dù bản thân mệt nhưng biết bệnh nhân qua được cơn nguy kịch thì công sức mình bỏ ra là xứng đáng”, anh Thể nói.
“Cảm ơn những người hiến máu tình nguyện”
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyến (Nam Định) mắc bệnh tan máu bẩm sinh, điều trị ở Viện Huyết học – Truyền máu trung ương từ năm 2005. “Không có những giọt máu nghĩa tình đã giúp tôi gần 20 năm qua, tôi không có cuộc sống bình thường như hiện nay. Chục năm trước, mỗi năm đi 4 lần tôi đều đặn về Viện Huyết học – Truyền máu trung ương truyền 4 bịch máu/lần. Còn 10 năm gần đây, đi truyền 2 tháng/lần. Nếu thời gian trước phải chờ đợi 2 ngày mới được truyền, thì bây giờ đến lúc sáng, chiều đã được truyền máu “chọn” (loại máu có chỉ số hòa hợp với máu bệnh nhân)”, bà Tuyến chia sẻ.
Nước mắt lưng tròng, chị Chu Thị Núp (mẹ của bệnh nhân nhỏ tuổi Hiểu Lam, ở Bắc Giang) cho hay: “Cháu vào viện từ 2 tuổi, đến nay được 3 năm. Tôi không còn nhớ được cháu được truyền bao nhiêu bịch máu. Tôi cám ơn tất cả các anh, chị đã hiến máu để cháu được sống”.
Tại Viện Huyết học này, hàng ngàn bệnh nhân duy trì được sự sống là nhờ và nguồn máu từ những người hiến máu tình nguyện.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết: “Hiến máu tình nguyện đã lan rộng ra các tầng lớp trong xã hội, trong cộng đồng và không chỉ là sinh viên, học sinh như trước kia nữa mà tất cả mọi người đều tham gia hiến máu tình nguyện. Chính vì thế mà chúng ta gần như không còn tình trạng thiếu máu trong dịp hè như trước kia”.
Sau đại dịch Covid-19, công tác hiến máu tình nguyện ổn định cả về số lượng và chất lượng. Lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc năm 2022 đạt trên 1,43 triệu đơn vị máu, trong đó 99% là từ người hiến máu tình nguyên, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu. Những tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận gần 900.000 đơn vị máu thông qua các chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện.