Xúc động gia cảnh người đào thấy bảo vật quốc gia
Tháng 3-1998, cả vùng trũng Hải Lăng (Quảng Trị) xôn xao tin người đàn ông nghèo Hoàng Công Sơn đào được trống đồng hàng ngàn năm tuổi ở Rú Cát thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân (nay là xã Hải Hưng, H. Hải Lăng). Dân mua đồ cổ khắp nơi đổ về săn tìm, song cổ vật đã được bảo vệ an toàn. Về sau cổ vật được gọi tên là trống đồng Trà Lộc. 22 năm trôi qua, câu chuyện cũng dần yên ắng thì vào đầu năm 2020, trống đồng Trà Lộc nằm trong danh mục 27 bảo vật được Thủ tướng Chính Phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Chúng tôi đi tìm lại người có công phát hiện năm ấy...
Tìm địa chỉ ông Hoàng Công Sơn, ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương (H. Hải Lăng), chúng tôi bất ngờ khi hay tin ông đã qua đời. "Ông ấy hiền lành lắm. Nhưng qua đời lâu rồi, nhà cách trụ sở UBND xã gần 1km thôi", người chỉ đường cũng tiếc nuối.
3 đứa con của vợ chồng ông Sơn đứa lập gia đình, đứa vào nam làm ăn nên chỉ còn bà Lê Thị Tha (1962, vợ ông Sơn) và đứa cháu nội gần 5 tuổi vào ra. Ngôi nhà tường xây đã cũ, chưa quét màu, giản đơn, quanh vườn là cát trắng. Bà Tha ngạc nhiên khi chúng tôi tìm được nhà và có lẽ cũng là số ít ỏi phóng viên đến gặp sau chừng ấy năm để tìm hiểu về gia cảnh, chuyện cũ. Bà ngấn lệ cho hay, chồng đã qua đời vào năm 2007, chỉ đổ ốm thời gian ngắn, không kịp cứu chữa. Thương nhớ người chồng hiền lành, bao nhiêu ký ức lại ùa về trong bà. Rồi bà lại lật đật mở chiếc tủ sắt, vơ hết cặp, túi ni-lông để lục tìm giấy tờ liên quan về đợt phát hiện trống đồng đó. "Tui cất kỹ lắm để làm kỷ niệm, có ảnh ông chụp với trống đồng nữa". Cầm trên tay bức ảnh ông Sơn cười tươi bên bảo vật, bà Tha như trở lại ngày tháng ấy...
Hai vợ chồng có 3 đứa con. Bà Tha lại ốm đau liên miên do bị bướu basedow, sức khỏe suy kiệt nên ông Sơn ngoài mấy sào ruộng thì tập trung rà phế liệu, kiếm ăn qua từng bữa, lo liệu thuốc thang cho vợ. Mỗi ngày, ông đạp xe rong ruổi khắp những đồi cát Hải Lăng để rà phế liệu chiến tranh, cơ cực nhưng cái nghèo vẫn bủa vây. Tối 19-3-1998, bế tắc, túng quẫn, ông Sơn nói lời tuyệt vọng với vợ "hay cả nhà cùng chết". Nói thế nhưng đêm đó, ông Sơn không chợp mắt, chỉ chực chờ trời sáng để lại vác máy rà đi tìm phế liệu. 4 giờ sáng, bà Tha dậy nấu cơm, vét sạch trong thùng gạo chỉ còn mỗi nửa lon. Sáng sớm 20-3- 1998, ông Sơn cầm nắm cơm vợ chuẩn bị, nghẹn lòng rời đi. Bà Tha ở nhà thấp thỏm, lo lắng. Ông Sơn đạp xe ra tới Rú Cát thôn Trà Lộc rà tìm phế liệu. Gần hết buổi thì có tín hiệu đồng sắt, ông hì hục đào nhưng quá sâu nên kêu thêm người thân trợ giúp. Đào sâu 1m8 phát hiện ra trống đồng. Là người hay tìm hiểu, đọc sách báo, ông phát hiện có nhiều hoa văn khá đặc biệt, như vành 2 có 4 chim Lạc đang bay ngược chiều kim đồng hồ; mặt trống được trang trí hình ngôi sao 10 cánh... Biết là hiện vật quý, ông Sơn liền nhờ người thân cất giữ vì nhà lúc đó lợp tranh, vách nứa không an toàn, tâm tư cũng chưa có kế hoạch cụ thể gì. Mấy ngày sau, ông trở lại rú Cát làm lễ tạ ơn thì tin tức lan ra.
Hay tin, ngành văn hóa và chính quyền địa phương nhanh chóng nắm tình hình. Từ những thông tin kể lại, cán bộ văn hóa nhận định thể loại trống đồng, có giá trị lịch sử, văn hóa. Nhận định ông Sơn còn cất giữ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thời điểm đó về tận nhà, tiếp xúc, gặp gỡ với ông Sơn, đồng thời chỉ đạo quyết liệt CA để bảo vệ hiện vật trước sự săn tìm của giới cổ vật. Là người hiểu biết và qua vận động, tuyên truyền, sau khi bàn bạc thống nhất, ông Sơn đã nhanh chóng đồng ý chuyển giao trống đồng cho Bảo tàng quản lý, tiến hành các thủ tục giám định khoa học về niên đại, giá trị lịch sử... Hôm đó là ngày 10-4- 1998, trước sự chứng kiến của nhiều ngành, ông Sơn vui vẻ bàn giao trống đồng. Kết quả sưu tầm thành công, ai nấy phấn khởi. UBND tỉnh cũng cho phép Bảo tàng tỉnh trích 1 khoản kinh phí để thưởng cho ông Sơn trong việc có công phát hiện và bảo quản hiện vật. Đến ngày 21- 5- 1998, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định trích ngân sách tỉnh 50 triệu đồng thưởng và chi phí công tác phát hiện, giám định, bảo quản trống đồng cổ. Trong đó, ông Sơn nhận 40 triệu đồng. Từ khoản tiền thưởng này, ông Sơn chia lại khá lớn cho người tham gia đào cổ vật. Ông cũng lên tìm cụ bà nghèo giúp đỡ lúc rà phế liệu để biếu 1 triệu đồng, số tiền còn lại 20 triệu đồng dành gần hết chữa bệnh cho người vợ trong nhiều năm. Ông vẫn làm nghề cũ thêm một thời gian nữa nhưng phế liệu ngày càng ít, đạp xe đi xa lại không nổi nên dừng. Năm 2007, ông vay tiền mua chiếc xe máy cũ, đi chưa được mấy tháng thì qua đời. "May mà con cái đều cố gắng học xong cấp 3, đó cũng là niềm an ủi", bà Tha lại ngấn nước mắt.
Gia cảnh của người phát hiện bảo vật thật buồn, nhưng bà Tha nói, bà rất vui vì gia đình có công phát hiện bảo vật quốc gia và nó đang được giữ gìn rất tốt.
Theo Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị, trống đồng Trà Lộc có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Hiện vật gốc này được thiết kế tinh xảo, tinh tế về thẩm mỹ, mang tính độc bản, được xác định là biểu tượng của vật thiêng, của quyền lực tôn giáo, là tài sản quý báu của cư dân Đông Sơn tại Quảng Trị và khu vực Trung bộ trong quá khứ. Việc phát hiện trống đồng Trà Lộc đã góp phần làm phong phú thêm cho sưu tập trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam, qua đó khẳng định Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng thế giới.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_222997_xuc-dong-gia-canh-nguoi-dao-thay-bao-vat-quoc-gia.aspx