Xúc động 'Hành trình tình nguyện theo dấu lịch sử'
'Hành trình tình nguyện theo dấu lịch sử' do Trung ương đoàn tổ chức với sự tham gia của 27 đoàn viên đến từ Cụm hoạt động số 2 Đoàn khối các cơ quan Trung ương đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.
Đoàn thanh niên Cơ quan Trung ương đoàn cùng với các cơ sở đoàn cụm hoạt động số 2, đoàn khối các cơ quan trung ương tham gia hoạt động Kỳ nghỉ hồng "Hành trình tình nguyện theo dấu lịch sử" tại ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh nhằm thực hiện Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2019 và Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè với chủ đề Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng; thiết thực tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn và 50 năm thực hiện di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh; nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của tuổi trẻ, tri ân ngày Ngày Thương binh liệt sỹ.
Đoàn thanh niên tình nguyện (gồm 27 đoàn viên đến từ Cụm hoạt động số 2 Đoàn khối các cơ quan Trung ương) do anh Nguyễn Thái Hà, Bí thư Đoàn cơ quan TW đoàn làm trưởng đoàn đã thăm quan, tìm hiểu các di tích lịch sử gắn với 60 năm mở đường Trường Sơn và 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh như: khu di tích lịch sử Truông Bồn, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, khu di tích lịch sử Kim Liên.
Đoàn cũng đồng thời thực hiện các hoạt động tình nguyện tại 3 địa phương như: xây dựng sân chơi cho thiếu nhi, trồng cây tại khu di tích lịch sử, dọn dẹp bãi biển, trao quà cho các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn; tặng nhà tình nghĩa; tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí,...
Hành trình dâng hương tại khu di tích lịch sử Truông Bồn
Sự kiện 13 chiến sỹ Thanh niên xung phong của đại đội N37 hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại Truông Bồn vào đêm 31/10/1967 (cách thời điểm đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc mấy giờ đồng hồ) đã để lại cho thế hệ chúng tôi niềm xúc động sâu sắc. Địa danh Truông Bồn cũng đã trở thành huyền thoại của ngành Giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Dâng hương tại khu di tích lịch sử Kim Liên
Khu di tích lịch sử Kim Liên là khu di tích tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thuộc vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, cách thành phố Vinh khoảng 15 km theo tỉnh lộ 49. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.
Là địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; nơi Hồ Chí Minh đã sống những năm 1901 - 1906 ở quê nội làng Kim Liên; khu mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh); núi Chung và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Hồ Chí Minh. Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia và là một trong bốn khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dâng hương khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Bát ngát đồi thông đẹp dáng hình
Ngã ba Đồng Lộc rạng tâm linh
Mười cô gái trẻ ngời xuân sắc
Năm chục niên hoa thắm nghĩa tình
Khí phách Triệu Trưng thành bất tử
Tinh thần Phù Đổng mãi quang vinh
Ngàn năm văn hiến tăng hào khí
Thế hệ anh hùng Hồ Chí Minh
(Ngã ba Đồng Lộc-Nguyễn Trọng Cầu)
Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc.
Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử gắn liền với việc 10 nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam bị bom của Không lực Hoa Kỳ giết chết.
Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, cho nên quân đội Hoa Kỳ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Tiểu đội 4, Đại đội 552 (được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2 km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành) gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Trưa ngày 24/7/1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ. 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lấy chồng.
Hành trình tình nguyện theo dấu lịch sử đã để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm cho các cán bộ đoàn viên đến từ Cụm hoạt động số 2 Đoàn khối các cơ quan Trung ương, từng người trong đoàn tình nguyện đã hiểu thêm rõ nét về lịch sử các khu di tích lịch sử, hiểu thêm về những năm tháng hào hùng của đất nước, thêm yêu và kính trọng những thương binh liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng cho đất nước được độc lập. Bên cạnh đó, từng nơi đoàn tình nguyện đi qua đã trao tặng nhiều phần quà, tổ chức nhiều hoạt động vô cùng ý nghĩa cho người dân địa phương.