Từ sáng 24/9 đến hết ngày 25/9 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM), lễ truy điệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy được tiến hành
5h sáng 26/9, gia đình sẽ tổ chức lễ truy điệu và di quan linh cữu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy về quê nhà tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp). Lễ viếng tại quê nhà sẽ được tổ chức từ 12h ngày 26/9 đến 10h30 ngày 27/9. Sau đó, gia đình sẽ tổ chức an táng ông tại nghĩa trang gia đình ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Người dân quê nhà tại thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - nơi Đại tá phi công - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy sinh sống những năm cuối đời - đã chuẩn bị chu đáo mọi việc để đón vị anh hùng về với đất mẹ. Mộ phần của cha, mẹ Anh hùng Nguyễn Văn Bảy nằm ngay sát nơi yên nghỉ của ông.
Người phi công anh hùng sẽ an nghỉ dưới bóng khóm tre nơi vườn nhà.
Nhìn cuộc sống bình dị của ông, chẳng ai ngờ rằng ông Bảy là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có thành tích bắn hạ trên 5 máy bay của đối phương.
Ông Bảy, tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bảy trong gia đình 10 người con. Do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính. Nghỉ hưu năm 1990, Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy cùng vợ về quê Đồng Tháp sinh sống. Gần 30 năm qua, nhiều người dân ở thị trấn Lai Vung không ngờ rằng ông già bơi xuồng đặt dớn bắt cá, lội đồng trồng sen lâu nay lại là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ.
Ấn tượng đọng lại trong biết bao người dân Đồng Tháp là những việc làm đầy tình nghĩa của vị anh hùng. Bà Lê Thị Sáu (ngụ khóm 4) cho hay khu vực này xưa kia là vùng sâu, không điện, không nước, đường đi rất trắc trở mỗi khi mưa xuống. Lúc về đây, ông Bảy chạy đôn chạy đáo vận động và tự thân đóng góp để cả xóm có đoạn đường dài 1,2 km thẳng tắp đến nhà. Không những vậy, ông Bảy còn vận động lo cho bà con có điện, có nước để ổn định cuộc sống.
Thắc mắc về cách sống đơn giản, ông Bảy nói: “Cuộc sống của tao bây giờ gắn bó với ao cá, ruộng sen và mấy cái dớn đặt cá dưới sông. Một ngày không lao động là tao khó chịu lắm, mặc dù cuộc sống của tao được Nhà nước lo rất đủ đầy”.
Góc nhỏ căn nhà nơi ông Bảy thường nằm nghỉ ngơi lúc sinh thời
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Mô hình chiến đấu không quân thu nhỏ được trưng bày trang trọng tại nhà nhằm ghi nhớ chiến công của một trong những phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam.
Hôm 16/9 vừa qua, khi đang làm vườn, ông Bảy ngất xỉu và được người nhà chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, sau đó chuyển đến TP.HCM cấp cứu. Sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe ông Bảy không cải thiện và trút hơi thở cuối cùng vào lúc 21h ngày 22/9, thọ 84 tuổi.
Một cán bộ tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi lễ tang Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến ngày 26/9, gia đình sẽ di quan về UBND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Lễ viếng tại quê nhà từ 12h ngày 26/9 đến 10h30 ngày 27/9. Sau đó, gia đình sẽ tổ chức an táng ông tại quê nhà huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
K.N (th)