Xúc động hình ảnh Việt Nam tại điểm du lịch trên đất Mỹ

Đối với người phương Tây, bảo tàng và vườn bách thảo rất quan trọng. Đó không chỉ là nơi để tham quan mà còn cung cấp nguồn kiến thức vô cùng bổ ích. Tại Mỹ, có những địa điểm thu hút khách tham quan đông, trong đó có Vườn bách thảo quốc gia và Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia tại thủ đô Washington.

Thật bất ngờ, cả hai nơi này đều có hình ảnh Việt Nam xuất hiện rất trang trọng.

Chúng tôi đến tham quan tòa nhà quốc hội Mỹ vào một sáng tháng 8, trong tiết trời mùa hè khá nóng. Màu trắng bóng từ đá cẩm thạch và hình ảnh sừng sững của tòa nhà quốc hội khiến người tham quan cảm thấy nể phục kiến trúc sư và những người tham gia xây dựng công trình này. Sự cổ kính, trầm lắng, uy nghiêm là những gì mà tôi cảm nhận được trong thời gian dạo quanh ngắm nghía công trình. Một lúc sau, theo gợi ý của người hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi di chuyển qua một vị trí nằm gần đó tầm 50 mét. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy được màu xanh của cây cỏ và đủ loại màu sắc của các loài hoa.

Vườn bách thảo Washington - Ảnh: Washington.org

Vườn bách thảo Washington - Ảnh: Washington.org

Lúc này 10 giờ sáng, cửa chính tòa nhà cổ kính vẫn còn đóng nên chúng tôi tranh thủ tham quan bên ngoài. Đó là một không gian khiến đôi mắt dịu lại trước màu xanh nền và vô vàn sắc trắng, vàng, xanh, đỏ tím của cỏ cây hoa lá. Chúng tôi cứ đi theo sự cuốn hút của sắc màu như thế và nhẩm tính có thể hơn 100 loài thực vật khác nhau. Trong đó, tôi cảm giác gần gũi hơn khi thấy những cây lúa, rau quế… rất Việt Nam. Bướm bay chập chờn quanh khu vườn tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Tôi hít thật sâu và thở ra thật chậm để tận hưởng nguồn không khí trong lành nơi đây.

Đúng 11 giờ sáng, các nhân viên mở cửa khu nhà quốc hội, chúng tôi lần lượt vào bên trong khu vực cây cỏ được chăm sóc trong nhà kính. Tôi thấy rất nhiều loại hoa khổ lớn chưa từng thấy trước đây. Chúng tôi đi theo lối đã mở sẵn. Đến một đoạn, tim tôi thực sự rộn lên trước một bụi tre màu vàng. Có gì đó quá thân thuộc với người Việt Nam. Dưới bụi tre có đặt một bức hình. Đó là hình ảnh công trình kiến trúc làm bằng tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa với lời giới thiệu rằng tre là chất liệu có độ dẻo dai có thể sử dụng hữu ích trong việc xây dựng. Tôi nhanh chóng chụp lại bức hình, nghĩ rằng không chỉ tôi mà bất cứ người Việt Nam nào, dù đang sống ở hải ngoại hay ở Việt Nam, nếu thấy hình ảnh này đều xúc động. Tôi đứng rất lâu trong không gian trong của vườn trước khi ra ngoài đi dạo.

Hình ảnh cây tre Việt Nam và công trình thiết kế bằng tre được giới thiệu ở Vườn bách thảo quốc gia Mỹ - Ảnh: N.H

Hình ảnh cây tre Việt Nam và công trình thiết kế bằng tre được giới thiệu ở Vườn bách thảo quốc gia Mỹ - Ảnh: N.H

Sau đó, đoàn khách chúng tôi lên xe buýt chuyển qua địa điểm mới. Dũng, hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn từ Việt Nam sang giới thiệu về địa điểm sắp tới là Bảo tàng quốc gia lịch sử thiên nhiên Mỹ. Bảo tàng là tòa nhà kiên cố và rộng lớn. Bước vào trong, ngay cổng chính có hình ảnh chú voi to lớn được đặt trên một bệ đá. Thoạt đầu, tôi trầm trồ trước sự khéo léo của người tạc tượng sao mà sống động như thật. Lát sau, tôi nhìn hàng chữ giải thích rằng đó là voi thật, sau khi chết được bảo tồn bằng loại hóa chất gì đấy mà nguyên vẹn như lúc còn sống. Điểm nhấn trong bảo tàng này là các câu chuyện về voi và những gì liên quan đến voi như hình ảnh, xương cốt, các thiết bị chăn dắt voi.

Điểm nhấn thứ hai của không gian độc đáo này là các loại đá, bao gồm đá trang sức quý và đá thiên nhiên. Tại đây, có trưng bày viên kim cương lớn nhất thế giới được tìm thấy từ Ấn Độ. Câu chuyện về viên kim cương này khá ly kỳ. Chuyện là rất nhiều doanh nhân, quý tộc đã sở hữu nó nhưng ai cũng gặp bi kịch. Người chủ sở hữu sau cùng đã tặng nó cho chính phủ Mỹ, và chính phủ quyết định gìn giữ nó trong bảo tàng. Kể từ đó đến nay không còn những câu chuyện liên quan đến viên kim cương này nữa. Ngoài ra, tại bảo tàng còn trưng bày vô số loại đá quý có giá trị trang sức, đá thiên nhiên trong nghiên cứu khoa học. Mỗi loại có màu sắc, hình dáng khác nhau vô cùng sinh động. Trong số này, có cả mẫu đá được lấy về từ mặt trăng.

Viên đá ruby được giới thiệu khai thác tại Lục Yên, Yên Bái, Việt Nam được trưng bày trong viện bảo tàng - Ảnh: N.H

Viên đá ruby được giới thiệu khai thác tại Lục Yên, Yên Bái, Việt Nam được trưng bày trong viện bảo tàng - Ảnh: N.H

Phần lớn các mẫu đá quý, đá thiên nhiên trưng bày tại đây được tặng từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Thật xúc động làm sao, trong hàng ngàn loại đá có một thứ đến từ Việt Nam. Đó là viên ruby tên Corundum được khai thác tại Lục Yên, Yên Bái, Việt Nam. Tất cả những người Việt có mặt hôm đó đều dừng lại xem rất lâu. Ai cũng bất ngờ rằng tại một xứ sở xa Việt Nam đến gần 20 giờ bay, mà hình ảnh Việt Nam được giữ gìn một cách trang trọng. Trong không gian này, có một shop nằm ở một góc khuất bán nhiều đồ vật làm từ đá thiên nhiên với nhiều kiểu dáng đẹp mắt. Người ta cho rằng năng lượng đá ở đây rất tốt nên nhiều du khách mua về làm quà. Giá cho mỗi món từ 5 đô la Mỹ trở lên.

Buổi tối hôm đó, sau khi đã trở về nơi nghỉ, tôi suy nghĩ mãi về hai hình ảnh Việt Nam trên đất Mỹ. Đối với nhiều du khách, có lẽ việc vào khu mua sắm, nhà hàng, casino sẽ hấp dẫn hơn vào tham quan bảo tàng.

Nhưng cũng có những người như tôi lại rất thích nhìn ngắm, tìm hiểu những gì xưa cũ được lưu giữ. Đặc biệt hơn, khi đi qua xứ khác mà thấy hình ảnh và văn hóa xứ mình được trân trọng, thì đó là niềm vui và sự hãnh diện rất lớn.

Bài, ảnh: Tam Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/xuc-dong-hinh-anh-viet-nam-tai-diem-du-lich-tren-dat-my-223193.html