Xúc động lễ khai giảng ở điểm trường miền núi Quảng Nam
Những đôi chân vẫn còn lấm lem bùn đất trên một khoảnh sân nhỏ; đôi mắt đen láy háo hức chờ đợi một năm học mới… là hình ảnh xúc động trong buổi Lễ khai giảng năm học mới tại điểm trường Lang Lương.
Sáng 5-9, cùng với cả nước, tất cả các trường ở tỉnh Quảng Nam đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023-2024. Điểm trường Lang Lương (thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) chỉ vỏn vẹn 31 học sinh dân tộc Ca Dong nhưng chưa bao giờ kém đi phần trang trọng.
Xúc động Lễ khai giảng đơn sơ
Ở các huyện miền núi Quảng Nam, điều kiện sinh hoạt, đời sống còn nhiều khó khăn. Hằng năm, cứ đến mùa khai giảng, các thầy cô giáo lại băng rừng, vượt suối đến với các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Những hình ảnh mộc mạc, giản dị trong ngày lễ khai giảng được giáo viên bám bản ghi lại, sau khi đăng tải lên mạng xã hội luôn đón nhận sự quan tâm đặc biệt từ cộng động mạng, để lại cảm giác thật sự xúc động.
Tại điểm trường Lang Lương – nơi cách trung tâm trung tâm huyện Nam Trà My hơn một tiếng đi xe máy và 15 phút lội bộ, buổi Lễ khai giảng diễn ra trang nghiêm trong không khí tĩnh lặng của núi rừng.
Điểm trường nằm giữa núi rừng thăm thẳm, trường lớp đơn sơ, bốn bên bao bọc bởi các tấm gỗ mỏng, mái tôn hoen rỉ đổi màu. Bước vào năm học mới, 31 em học sinh (14 em bậc tiểu học, 17 em bậc mầm non) băng rừng, lội bộ đến trường từ sáng sớm. Có em đến trường một mình, có em đến cùng ba mẹ.
Dưới khoảnh sân đầy bùn đất, hình ảnh các em mặc đồng phục học sinh, đi chân đất, dép tổ ong. Trên tay nào là cờ tổ quốc, nào là bong bóng – món đồ “xa xỉ” với các em học sinh vùng cao. Sự vui tươi, háo hức thể hiện rõ trên khuôn mặt các em trước giờ bước vào năm học mới.
Không kèn trống, một băng rôn in dòng chữ “Lễ khai giảng năm học 2023-2024” treo lên, xung quanh lưa thưa vài quả bóng bay.
Phía trước tấm băng, bên cạnh, một cái bàn được đặt trang trọng, trải khăn tươm tất. Ảnh Bác hồ kính yêu đặt trên bàn, ngay dưới lá cờ tổ quốc giữa núi rừng hùng vĩ càng làm buổi lễ thêm phần trang trọng.
Khó khăn của giáo viên bám bản
Nhiều năm công tác ở điểm trường Tắk Pổ - nơi từng gây xúc động mạnh cho cộng đồng mạng vào năm 2019, năm ngoái cô Trà Thị Thu được chuyển về điểm chính công tác.
Năm nay, cô tiếp tục được phân công giảng dạy ở điểm trường Lang Lương. Để Lễ khai giảng diễn ra suôn sẻ, cô ngược đường về núi từ sớm để chuẩn bị mọi thứ.
“Sáng nay, các em được ba mẹ dẫn tới trường từ rất sớm trong tâm trạng vui tươi, háo hức chào đón năm học mới. Nhiều phụ huynh nán lại trường dự Lễ khai giảng, điều hiếm hoi ở các điểm trường miền núi, tôi thấy không khí thật vui, ấm áp”, cô Thu phấn khởi.
Cô Thu chia sẻ, năm nay điểm trường được phóng tuyến mở đường nên việc đi lại của giáo viên đứng điểm đỡ chút nhọc nhằn. Không khí vui tươi, ấm áp của buổi khai giảng sáng nay tạm coi như “niềm vui nhân đôi” của cô trò vùng núi ngay đầu năm học.
Nhưng, dạy học ở những bản làng xa xôi của huyện miền núi Nam Trà My chưa bao giờ thuận lợi. Thầy cô các điểm trường phải cố gắng gấp nhiều lần, thích nghi với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhiều thứ.
“Do ở xa trung tâm, điểm trường vẫn chưa có điện lưới, phải dùng điện năng lượng mặt trời. Sóng điện thoại chập chờn, lúc có, lúc không, nước sinh hoạt phải nhờ phụ huynh dẫn về từ suối…”, cô Thu chia sẻ khó khăn của giáo viên bám bản.
“Các em còn nhỏ, là người đồng bào Ca Dong nên vốn từ phổ thông hầu như không có, việc truyền tải kiến thức đến với các em là một điều khó khăn của giáo viên. Cô trò chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn!”, cô Thu nói tiếp.
Năm học 2023-2024, tỉnh Quảng nam có 727 trường (tăng 3 trường so với năm ngoái) với tổng số gần 346 nghìn học sinh (tăng hơn 3.100 học sinh). Trong đó, học sinh tuyển mới lớp 1 hơn 28.000, lớp 6 là 29.700, lớp 10 là 19.744. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành hệ công lập là 23.500 người và ngoài công lập là 4.300 người.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xuc-dong-le-khai-giang-o-diem-truong-mien-nui-quang-nam-post749991.html