Xúc động nhật ký 24 giờ của chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu
Những dòng nhật ký của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa đã gây xúc động mạnh trong lòng đồng nghiệp và người dân xứ Nghệ.
Ngày 23/6, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện HNĐK Nghệ An (Phó trưởng đoàn tăng cường do ngành y tế Nghệ An tăng cường Hà Tĩnh) chia sẻ với Tiền Phong về những dòng nhật ký mà anh viết trong quá trình làm nhiệm vụ ở Hà Tĩnh và trở về Nghệ An xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở huyện Diễn Châu.
“Lấy gần 1500 mẫu xét nghiệm tại huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh là kết quả được anh em trong đoàn báo cáo trong đêm 15/06. Chúng tôi trở về khách sạn trong màn đêm tĩnh lặng buông xuống, khi đồng hồ đã sắp điểm sang ngày mới. Đặt lưng, chúng tôi chìm vào giấc ngủ để tiếp thêm năng lượng cho những công việc tiếp theo…
Sáng ngày 16/06, đoàn quân 52 chiến sỹ chúng tôi tiếp tục chia làm 2 tiểu đội, 1 tiểu đội chia làm nhiều hướng trong nội đô Thành phố Hà Tĩnh, tiểu đội còn lại tiếp tục về với các thôn, xóm của huyện Nghi Xuân. Xế trưa, hơn 5.100 mẫu xét nghiệm được hoàn tất tại 2 địa phương. Khi bữa cơm trưa muộn của đoàn bắt đầu cũng là lúc chúng tôi nhận được lệnh về Nghệ An gấp để chi viện cho Diễn Châu – 1 huyện phía Bắc Nghệ An đang xuất hiện những ca F0, F1 đầu tiên…
Anh em trong đoàn, không ai bảo ai, nhanh chóng sắp xếp những công việc đang dở, những cuộc điện thoại bàn giao tỉ mỉ, thu dọn, căn dặn, sát sao để những ngày chi viện trên đất Hà Tĩnh được trọn vẹn nhất, đảm bảo nhất… Trước khi chia tay Hà Tĩnh, lần đầu tiên toàn đoàn được chụp một tấm ảnh lưu niệm đầy đủ các thành viên.
Ngày đầu tiên chúng tôi vào Hà Tĩnh, xuống xe là vội vàng bắt tay ngay vào mặt trận lấy mẫu xét nghiệm, và đến ngày tạm biệt tất cả cũng quân lệnh như sơn, thời gian được đếm từng phút từng giây, vội vã để quay trở về quê hương Nghệ An. Anh em, đồng nghiệp, đồng chí Nghệ An – Hà Tĩnh ngày đêm làm việc, đồng hành cùng nhau, ngày đến gửi lời chào nhau qua điện thoại, ngày về cũng chỉ kịp lên xe nhắn tin gửi lời chào tạm biệt, hẹn ngày toàn dân, toàn quân ta chiến thắng bệnh dịch này.
“Gặp nhau lần nào cũng vội, nhà xa, mặt trận càng xa..”, những tình cảm đó thật sự ấm áp, thật sự đẹp đẽ mà cả đoàn chúng tôi sẽ mang theo làm động lực cho những chặng đường phía trước...
16h ngày 16/06, xe chở đoàn quân chúng tôi lăn bánh qua cầu Bến Thủy, biết bao lần đi qua biển báo “Thành phố Vinh xin kính chào Quý khách”, nhưng lần này khi đọc dòng chữ đó trong chúng tôi trào dâng biết bao cảm xúc khó diễn đạt thành lời. 8 ngày xa nhà, cũng đã thành nỗi nhớ để anh chị em bỗng vỡ òa mà cười, mà reo lên khi gặp lại. Xe cứ thế vun vút đi, bạn này bảo sắp đi qua nhà em, bạn kia nói rẽ trái là về nhà tớ, rẽ phải là nhà bà ngoại, là nhà bà nội, nơi gửi bé đầu, nơi gửi bé sau... Tất cả chỉ xoay quanh nhà tớ, con tớ… và có lẽ còn có cả những lời nói thầm về “người thương, người yêu” của tớ nữa.
Xe đưa chúng tôi về đến đại lộ Lê Nin, thấp thoáng phía trước là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, nơi chúng tôi làm việc – là nơi thân thương và chúng tôi cũng rất đỗi tự hào. Anh lái xe rất tâm lý cho xe đi chầm chậm qua bệnh viện để cho đoàn đỡ nhớ... Nỗi nhớ nhưng chỉ là những tiếng xôn xao kể vậy thôi, bởi lệnh đã rõ “Không ai được phép dừng lại gặp người nhà”, đoàn quân chỉ có lệnh tiến lên, tạm gác lại tất cả những xúc cảm, tất cả những hình ảnh để chúng tôi lại tràn đầy nhiệt huyết và khí thế cho mặt trận còn nhiều cam go đang chờ.
21h00 ngày 16/06, sau khi ăn tối tại khách sạn ở huyện Diễn Châu, 52 y bác sỹ chúng tôi được lệnh tập hợp, chuẩn bị thực hiện mục tiêu ngay trong đêm phải lấy khoảng 5200 mẫu xét nghiệm (tại 4 xã Minh Châu, Diễn Tân, Diễn Trung và Diễn Kim) trong tổng số hơn 6.100 mẫu F1 của toàn huyện Diễn Châu.
21h30, sau khi đã rõ nhiệm vụ và địa bàn phụ trách, phân công lực lượng tiếp nhận vật tư, đoàn bắt đầu chia thành 4 mũi thẳng về các xã để tập trung lấy mẫu cho người dân đang chờ...
1h30 sáng ngày 17/06 một số điểm lấy mẫu cơ bản hoàn thành lại tiếp tục điều quân sang hỗ trợ các địa điểm khác. Đến 4 giờ sáng nay toàn bộ các điểm đã hoàn tất với tổng số 5.081 mẫu.
Tinh thần xông pha, liên tục không ngơi nghỉ, quyết tâm, đồng lòng đã giúp chúng tôi quên hết những mỏi mệt, quên hết thời gian rằng chúng tôi đã bước sang 1 ngày mới từ lúc nào… Đoàn chúng tôi trở về khách sạn khi bình minh đã bắt đầu ló rạng, một chiến sĩ trong đoàn vì kiệt sức nên đã xỉu, nhưng sau khi được đồng đội tiếp nước, tiếp cả những câu chuyện vui, nụ cười xinh đẹp của em đã rạng ngời trở lại…
Cũng như cả đoàn chúng tôi bước chân dẫu có mỏi, bàn tay dẫu có nhăn nheo vì đeo găng, mồ hôi dẫu có thấm đầy vai.. nhưng tinh thần và ý chí chưa bao giờ tắt trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh dịch COVID-19 này....”.
Hơn 100 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Nghệ An tình nguyện tăng cường chống dịch
Nhằm hỗ trợ với lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19, hơn 100 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Nghệ An đã xung phong tình nguyện tăng cường các điểm chốt phong tỏa.
Ngày 23/6, trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, hơn 100 cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục tỉnh xung phong tình nguyện tăng cường cho các điểm chốt đang thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Vinh.
Sáng cùng ngày, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh đã tổ chức gặp mặt và triển khai các nhiệm vụ cho các cán bộ giáo viên trong toàn ngành trước khi tăng cường vào các điểm chốt đang phải thực hiện giãn cách xã hội.
Trước đó, UBND thành phố cũng đã có quyết định biệt phái viên chức, người lao động của ngành giáo dục thành phố đến làm việc tại phòng y tế để hỗ trợ phòng y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong số danh sách những giáo viên được tăng cường, ngoài 94 giáo viên nam có 4 giáo viên nữ, trong đó có 3 giáo viên đã có gia đình và con vẫn đang tuổi đi học.
Đây là một việc làm ý nghĩa của cán bộ, giáo viên ngành giáo dục trong thời điểm này nhằm tiếp sức và hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch ở tuyến cơ sở.
Bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: “Các lực lượng tuyến đầu đang căng mình chống dịch với khối lượng công việc rất vất vả. Từ khi dịch bệnh mới bùng phát, ngành đã huy động 30 nhân viên y tế của các trường học xuống tham gia chống dịch nhưng từng đó chưa đủ đáp ứng được yêu cầu. Trước nhiệm vụ ngày càng nặng nề, ngành giáo dục đã kêu gọi sự hỗ trợ của các trường và ngay trong lần đầu tiên đã có hơn 100 cán bộ, giáo viên xung phong tình nguyện”.