Xúc động trước hình ảnh thầy giáo 'quân hàm xanh'
Dạy học không chỉ là trách nhiệm của người lính mà còn mang ý nghĩa chính trị đặc biệt.
Ngày 12-11, đoàn công tác của Quân chủng Hải quân do Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, làm trưởng đoàn và đoàn đại biểu TP HCM do ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, làm trưởng đoàn đã đến thăm, động viên và tặng quà cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo Hòn Chuối.
Đây là một trong những đảo thuộc chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024.
Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền 17 hải lý về hướng Tây Nam, diện tích khoảng 7km2, địa hình đồi núi, vách đá hiểm trở gây khó khăn.
Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng bè và buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ. Do vị trí địa lý và thời tiết không thuận lợi nên mỗi năm, các hộ dân phải di dời nơi ở và tài sản 2 lần để tránh sóng, tránh gió, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.
Theo các người dân trên đảo, Hòn Chuối chưa có hệ thống trường cho trẻ học tập, chỉ có duy nhất lớp học tình thương của Đồn biên phòng Hòn Chuối do thầy giáo "quân hàm xanh" đứng lớp.
Đường đến lớp cũng như lên Trạm Ra đa 615 rất khó khăn khi phải leo bộ gần 400 bậc thang có độ dốc cao, nếu trời mưa rất nguy hiểm. Cũng có một đường mòn khác bằng đất nhưng rất xa.
Trong một căn nhà cấp 4 nằm ven đường sau khi leo xong các bậc thang, một người lính biên phòng da đen sạm, giọng nói truyền cảm, rõ ràng trong quân phục xanh là Thiếu tá Trần Bình Phục, cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối đang say sưa giảng bài cho các em nhỏ.
Đáng chú ý, lớp học có tới 3 chiếc bảng gắn vào 3 bức tường, mỗi chiếc bảng có nội dung học khác nhau. Học trò trong lớp chia thành 3 nhóm, ngồi hướng về từng chiếc bảng.
Để học sinh của mình hiểu bài, thầy giáo Phục lần lượt đi vòng quanh để giảng cho học trò theo từng nhóm lớp.
Trao đổi với đoàn đại biểu TP HCM, Thiếu tá Phục cho biết ra đảo Hòn Chuối công tác từ năm 2010 và từ đó đến nay làm nhiệm vụ dạy học cho các em nhỏ trên đảo từ lớp 1 đến lớp 7. Việc dạy cùng lúc nhiều chương trình học khác nhau trong cùng một lớp không dễ dàng trong khi anh không học chuyên ngành sư phạm.
Để các em có thể hiểu và tiếp cận thêm nhiều kiến thức hiệu quả, anh luôn cố gắng tìm mọi cách để truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Về hậu phương, anh cho hay vợ con đang ở đất liền còn mình đang sống và làm việc trên đảo này.
"Tôi chỉ mong các em tiếp thu được nhiều kiến thức, thêm chữ để sau này vươn xa, có tương lai phát triển hơn. 'Sợi dây vô hình' là tình cảm, yêu thương, đùm bọc lúc khó khăn thôi thúc tôi trở thành thầy giáo, người lái đó đưa các em sang một trang mới tốt đẹp hơn. Tôi hi sinh để nhìn thấy các em trưởng thành, thành công" -Thiếu tá Phục hạnh phúc nói.
Theo thiếu tá Phục, đây không chỉ là trách nhiệm, tình cảm của một người lính mà sự kết nối, gắn kết sâu sắc giữa quân và dân trên đảo Hòn Chuối, góp phần cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt, vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Sự cố gắng của thiếu tá Phục đã được đền đáp lại khi một em trên đảo đang học năm 3 tại Đại học Cần Thơ với thành tích rất tốt dù điều kiện khó khăn.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại bia tưởng niệm Nam Du (tỉnh Kiên Giang) - nơi thờ cúng những người tử nạn vì cơn bão số 5 năm 1997.
Tiếp đó, đoàn đã tới thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trạm Rađa 600, Đồn Biên phòng 742, Trạm Hải đăng, Đảng ủy – UBND xã An Sơn, Trường Mầm non - Tiểu học và THCS tại đảo Nam Du...
Đến thăm các đảo, đoàn đã gửi tặng nhiều phần quà như thuốc men, sữa, tập huấn y tế...và các phần quà ý nghĩa khác.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuc-dong-truoc-hinh-anh-thay-giao-quan-ham-xanh-196241112134832771.htm