Xúc động với vở kịch cách mạng 'Cuộc hành trình tìm bức chân dung'

Chiều 13-11, tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, vở kịch cách mạng Cuộc hành trình tìm bức chân dung (tác giả: Khánh Hoàng, đạo diễn: Hoàng Tấn) đã sáng đèn phục vụ cán bộ, viên chức các ban, ngành, đoàn thể… quận Phú Nhuận.

Vở kịch cách mạng "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" chạm đến trái tim khán giả bằng chính tình cảm trân quý, trang trọng, của quân dân miền Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, khi hay tin Bác Hồ qua đời. Ảnh: THÚY BÌNH

Vở kịch cách mạng "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" chạm đến trái tim khán giả bằng chính tình cảm trân quý, trang trọng, của quân dân miền Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, khi hay tin Bác Hồ qua đời. Ảnh: THÚY BÌNH

Đây là một trong năm suất diễn nằm trong chương trình phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn TPHCM.

Vở kịch kể về tấm lòng yêu thương, sự kính trọng của quân dân miền Nam đối với Bác, được thể hiện bằng tình yêu nước, yêu quê hương xứ sở mãnh liệt, bằng tinh thần quyết tâm đấu tranh chống giặc ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng, dù có phải hy sinh cũng là niềm vinh dự, tự hào vì lý tưởng cao đẹp.

Những đứa trẻ năng nổ, gan dạ, quyết tâm đi tìm bức chân dung Bác Hồ, với khát vọng đem được ảnh Bác về thờ ở đền thờ trong rừng sâu. Ảnh: THÚY BÌNH

Những đứa trẻ năng nổ, gan dạ, quyết tâm đi tìm bức chân dung Bác Hồ, với khát vọng đem được ảnh Bác về thờ ở đền thờ trong rừng sâu. Ảnh: THÚY BÌNH

Không gian chính của vở kịch là các khu rừng đước già, vùng trú ẩn an toàn của dân tản cư và là nơi che chở cho các đội du kích chiến đấu chống kẻ thù.

Ngày nhận được tin Bác Hồ qua đời, người dân đã bí mật lập đền thờ Bác trong rừng. Đền thờ Bác được dựng bằng cây đước, lá dừa mộc mạc đơn sơ. Vì không có ảnh chân dung Bác Hồ nên mọi người đã dùng những thanh tre, gỗ nhỏ, ghép lại thành lá cờ có ngôi sao để tưởng nhớ Bác, thành kính làm lễ.

Trong những người đến thắp hương tưởng niệm có đám trẻ nhỏ gồm Non, Đạm, Liêm và bé Ba, là con của quân dân đang sống và chiến đấu trong các khu rừng đước. Qua lời kể của người lớn về Bác, 4 đứa nhỏ nảy ra ý tưởng đi tìm bức chân dung của Bác để khắc thành tượng thờ.

Cuộc đi tìm bức chân dung Bác của đám trẻ nhỏ gặp rất nhiều hiểm nguy, từ súng đạn bủa vây của kẻ thù, đến sự rình rập của các loài thú dữ rừng sâu. Đám trẻ gặp được ông Ba gác rừng, ông đã giúp tụi nhỏ có thêm kiến thức để sống sót trong rừng hoang sơ, biết cách tránh bom mìn, cách ẩn nấp né tránh biệt kích...

Ông Ba gác rừng, luôn bám trụ rừng để tiếp ứng kịp thời cho chiến sĩ cách mạng, tận tình chỉ dẫn cho đám trẻ cách thoát khỏi những hiểm nguy từ kẻ địch và động vật hoang dã rừng sâu nước độc. Ảnh: THÚY BÌNH

Ông Ba gác rừng, luôn bám trụ rừng để tiếp ứng kịp thời cho chiến sĩ cách mạng, tận tình chỉ dẫn cho đám trẻ cách thoát khỏi những hiểm nguy từ kẻ địch và động vật hoang dã rừng sâu nước độc. Ảnh: THÚY BÌNH

Xen kẽ với hành trình tìm kiếm chân dung Bác Hồ của đám trẻ nhỏ còn có những khoảnh khắc lắng lòng với thân phận của trẻ thơ sống giữa chiến tranh loạn lạc, có em thì cha mẹ tham gia cách mạng không thể về nhà, có em thì cha mẹ mất hết vì đạn bom…

Tác phẩm được đạo diễn trẻ Hoàng Tấn sáng tạo phối hợp giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu với công nghệ kỹ thuật điện ảnh, kỹ thuật trình chiếu màn hình Led và Gauze, giúp cho khán giả xem kịch có được cảm quan tươi mới khi thưởng thức trực tiếp vở kịch với sắc màu không gian 3 chiều, cảnh chồng cảnh, cảnh và người hòa hợp, cuốn hút.

Sự sáng tạo và phá cách trong dàn dựng tác phẩm sân khấu giúp phần nghe nhìn của khán giả đối với vở kịch nhẹ nhàng, dễ cảm, giảm bớt được sự khô khan thường thấy trong công tác dàn dựng những tác phẩm sân khấu chính kịch, kịch lịch sử, cách mạng.

Kết thúc vở kịch, bức ảnh Bác Hồ kính yêu, vô cùng thân thương, của quân dân cả nước, được kỹ thuật hình ảnh màn chiếu Gauze trình chiếu đẹp trang trọng. Kỹ thuật chuyển hình ảnh Bác vào khung ảnh thờ tại đền thờ Bác Hồ trong rừng tạo nên nhiều cảm xúc lắng đọng cho khán giả.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xuc-dong-voi-vo-kich-cach-mang-cuoc-hanh-trinh-tim-buc-chan-dung-post713967.html