Xúc tiến đầu tư thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 850/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Tổ phó thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó.
Các thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới;
Chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các Tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.
Đồng thời, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng; quy mô vốn lớn; công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tổ chức điều phối liên ngành, liên cấp và liên vùng để thúc đẩy việc hình thành các chuỗi dự án liên kết và hỗ trợ, triển khai thuận lợi, hiệu quả; thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao; định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác đầu tư của Tổ công tác.
Quy chế hoạt động của Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tổ trưởng, Tổ phó thường trực, Tổ phó và các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Trong 5 tháng qua, Việt Nam thu hút được 1.212 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 7,44 tỷ USD, tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lượng vốn đầu tư tăng là do trong 5 tháng đầu năm ghi nhận có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký mới.
Qua đó, đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,7 triệu USD năm 2019 lên 6,1 triệu USD trong năm 2020.
Về vốn điều chỉnh, có 436 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 13,7% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,45 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ.
Vốn điều chỉnh trong 5 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.
Có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 11,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 2,99 tỷ USD, bằng 39,1% so với cùng kỳ.
Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 5 tháng đầu năm 2019.