Xúc tiến, kích cầu mùa dịch Covid-19
Trong giai đoạn khủng hoảng do dịch Covid-19 (tên gọi cũ là nCoV), nhất là khi thị trường khách Trung Quốc và các điểm đến bị giới hạn hoạt động, buộc các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch phải có ngay biện pháp kích cầu thị trường không chỉ ngắn hạn mà cả dài hạn sau khi dịch kết thúc.
Theo Tổng cục Du lịch, tính toán thiệt hại về tác động của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch Việt Nam rất lớn, không chỉ ngắn hạn mà còn trung và dài hạn. Trước mắt, tác động mạnh nhất là việc Trung Quốc đã hạn chế khách du lịch đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch; tạm dừng tất cả các lễ hội; các thị trường quốc tế khác e ngại đến khu vực châu Á và người dân trong nước hạn chế đi du lịch...
Với diễn biến căng thẳng hiện nay của dịch Covid-19, lãnh đạo Tổng cục Du lịch thông tin, ước tính, thiệt hại trong 3 tháng tới đối với ngành du lịch Việt Nam rất trầm trọng. Trong đó, ngoài lượng khách Trung Quốc giảm 90%, lượng khách quốc tế khác sẽ giảm 50 - 70%; với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt, sẽ gây thiệt hại kinh tế 2,2- 3 tỷ USD. Thị trường khách nội địa dự báo giảm 50 - 70%; với mức chi tiêu bình quân 5,8 triệu đồng/lượt, thiệt hại kinh tế sẽ là 1,9 - 2,7 tỷ USD. Như vậy, tổng thiệt hại từ thị trường khách quốc tế, nội địa khoảng 5,9 - 7,7 tỷ USD.
Trước nguy cơ đó, Tổng cục Du lịch đã sớm đưa ra kịch bản ứng phó, tập trung xúc tiến thị trường để bù đắp cho các thị trường truyền thống sụt giảm. Cụ thể, đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, kết nối đường bay thuận tiện có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ; tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada, nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ; duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu; tăng cường thu hút khách du lịch từ Nga và các nước Đông Âu; đẩy mạnh khai thác thị trường Australia và New Zealand. Ngoài ra, lên kế hoạch làm việc với đối tác, đặc biệt là các hãng hàng không về kế hoạch hợp tác, xúc tiến phục hồi ngành du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế. Tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như CNN với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát khủng hoảng và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện đối với du khách.
Về phía các doanh nghiệp cũng đang tích cực, chủ động có giải pháp kịp thời, như: Có chính sách giám giá từ 5 - 10% đối với sản phẩm cố định trong cả năm; đưa ra mức giá tốt nhất đối với sản phẩm theo nhu cầu khách hàng... Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng phương án thị trường mới ngay sau khi sản phẩm tour đi Trung Quốc dừng lại, chuyển hướng khai thác sang điểm đến khách an toàn như Đông Nam Á, châu Úc, châu Âu.
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng giám đốc HanoiRedtour - cho biết, doanh nghiệp đang thúc đẩy các đàm phán với nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra sản phẩm tốt nhất khi thị trường có nhiều biến động. Đặc biệt, doanh nghiệp nhắm tới các đối tác nước ngoài đang dư thừa dịch vụ do khách Trung Quốc sụt giảm chuyển hướng cung cấp cho khách Việt Nam. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp khai thác mức giá tốt nhất từ đối tác để phục vụ khách hàng. Còn với tour trong nước, khi các điểm đến tổ chức lễ hội dừng, doanh nghiệp đã chuyển hướng thiết kế sang dòng sản phẩm tham quan nghỉ dưỡng, không tập trung đông người, đảm bảo an toàn cho du khách, không làm đình trệ hoạt động tại các điểm đến...
Nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch sẽ xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại ngay trong thời điểm đang diễn ra dịch, định hướng vào những điểm đến chưa có dịch. Đồng thời, đề xuất Chính phủ cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch như lữ hành, lưu trú, vận chuyển.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-kich-cau-mua-dich-covid-19-132635.html