Xúc tiến, quảng bá quyết định thành công

Bên cạnh phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đặc trưng cho các địa phương, thì xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thiết lập kênh phân phối sản phẩm đa dạng… là những nội dung trọng tâm, quyết định thành công của Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP).

Xác định rõ điều này, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP. Ông Võ Tá Nghĩa - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết, sở tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thông qua chính sách 3 - 5 tỷ đồng mỗi năm cho phát triển chuỗi liên kết.

 Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã khẳng định được thương hiệu

Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã khẳng định được thương hiệu

Theo đó, giai đoạn 2013 - 2018, đã hỗ trợ 86 đơn vị với số tiền 23,5 tỷ đồng; xây dựng 5 điểm bán hàng Việt ở nông thôn, 14 mô hình liên kết hộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 2 mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng…. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, sở cũng tham mưu hỗ trợ 67 đề án khuyến công, với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng; tổ chức 4 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh…

Đáng chú ý, năm 2018, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã đi trước một bước trong thực hiện Chương trình OCOP khi tham mưu xây dựng 5 cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất, gắn với thực hiện Chương trình OCOP tại TP. Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và các huyện: Đức Thọ, Nghi Xuân.

Năm 2019, sở chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND triển khai hoạt động xúc tiến thương mại gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và Chương trình OCOP đến năm 2025.

Đến nay, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của Hà Tĩnh đã khẳng định thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường, quảng bá đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Tại Đăk Lăk, qua khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất của các hộ sản xuất, kinh doanh có đăng ký, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, có 140 sản phẩm thế mạnh, thuộc các nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; dịch vụ văn hóa, du lịch nông thôn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP được Đăk Lăk coi là giải pháp cơ bản thúc đẩy quá trình phát triển chuỗi sản phẩm. Theo đó, những sản phẩm dự thi đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các cấp tương ứng, nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì số lượng, chủng loại hàng hóa trong tỉnh tại các cửa hàng, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP… được nhận xét còn chưa phong phú, đa dạng để thu hút đông đảo người tiêu dùng và khách du lịch. Các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu…

Để nâng tầm sản phẩm OCOP, ông Võ Tá Nghĩa kiến nghị, Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng trung tâm OCOP cấp tỉnh và hệ thống điểm bán sản phẩm OCOP có liên kết với sản xuất đạt chuẩn; liên kết các điểm bán sản phẩm OCOP tạo thành chuỗi cửa hàng OCOP trong cả nước. Hàng năm, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP có khả năng xuất khẩu tham gia hội chợ chuyên ngành tại thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Trung Đông, EU…

Dự kiến, đến năm 2020 có 3.749 sản phẩm được chuẩn hóa OCOP; tổng nguồn lực huy động đạt khoảng 9.583 tỷ đồng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-quang-ba-quyet-dinh-thanh-cong-131147.html