Xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh có 76 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.
Khi sản phẩm được công nhận OCOP
Mướp đắng Thủy Dương (TX. Hương Thủy) từ một loại cây trái thông thường đã được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thủy Dương mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Không chỉ mở rộng diện tích mà toàn bộ sản phẩm được HTX này thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định. Thu nhập từ cây mướp đắng giúp nhiều hộ tăng nguồn thu, ổn định cuộc sống.
Mướp sau khi thu mua từ người dân được HTX Nông nghiệp Thủy Dương chế biến thành sản phẩm trà túi lọc, mướp sây khô hút chân không và được công nhận sản phẩm OCOP. Sản phẩm sau khi chế biến, quảng bá, giới thiệu thông qua các hội chợ được tiêu thụ không chỉ thị trường trong tỉnh mà còn nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Doanh thu ổn định từ sản phẩm mướp đắng giúp đời sống, thu nhập của cán bộ HTX ổn định hơn.
Gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền) được sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình khắt khe từ nguồn giống, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý... Sản phẩm gạo của hợp tác xã này được chứng nhận đảm bảo chất lượng, hữu cơ và được tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP. Từ khi tạo dựng được thương hiệu, được quảng bá, giới thiệu, đặc biệt chứng nhận OCOP, gạo hữu cơ An Lỗ được thị trường tiêu thụ ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất và từng bước mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo hữu cơ.
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, để sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa, được thị trường tiêu dùng biết đến, thời gian qua, nhiều sản phẩm của tỉnh được tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ thương mại trên cả nước. Tại hội chợ thương mại ở Bình Định diễn ra đầu năm vừa qua, gian hàng OCOP của tỉnh được trưng bày trong số 14 gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Ngành nông nghiệp phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp và các đơn vị trong tỉnh tổ chức không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Công viên Thương Bạc với hơn 20 chủ thể của tỉnh tham gia hoạt động này. Đồng thời, phối hợp với các KOLs (những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng) để livestream một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh trên kênh “Chợ phiên OCOP”.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh còn tham gia các chuỗi hoạt động tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 tại Hà Nội, Festival Tôm Cà Mau và diễn đàn kết nối sản phẩm đồng bằng sông Cửu Long. Làng nghề dệt Dèng A Lưới có sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Thổ cẩm xã Nhâm được hỗ trợ quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử TikTok “Chợ phiên OCOP” vào cuối năm 2023…
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP, con người, vùng đất, nông sản của tỉnh được tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu trên cả nước. Từ đó, các sản phẩm có sự tiếp cận, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác đầu tư, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng.
Những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ
Theo đánh giá của ông Hồ Đăng Khoa, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng sản phẩm OCOP tại các địa phương tương tự nhau và nhiều tỉnh khác cũng có. Các sản phẩm chế biến sâu, cải tiến mẫu mã, bao bì và công nghệ sản xuất chưa được tập trung đầu tư để gia tăng giá trị từ lợi thế sản phẩm cộng đồng. Các chủ thể trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng lực yếu, chưa thật sự quan tâm tham gia chương trình OCOP để chuẩn hóa, nâng cấp, phát triển sâu sản phẩm và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, nhất là các sản phẩm làng nghề truyền thống. Một số sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu bằng thủ công, máy móc, công nghệ cũ, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Giá thành sản phẩm cao, chưa đáp ứng yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối.
Nguồn lực cho chương trình OCOP chủ yếu từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nên không hỗ trợ chủ thể ở địa bàn đô thị (phường, thị trấn) dẫn đến các chủ thể có thương hiệu, có thị trường thiếu động lực để tham gia. Tính chủ động quảng bá thương hiệu, hàng hóa của chủ thể sản phẩm còn hạn chế. Việc tìm kiếm thị trường đi theo cách cũ, thiếu tính tư duy đột phá nên hiệu quả phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra sản phẩm chưa cao…
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, thời gian đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo cả về sản lượng hàng hóa và chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường. Riêng năm 2024, phấn đấu nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận ít nhất 30 sản phẩm OCOP; phát triển thêm 2-3 điểm du lịch, dịch vụ cộng đồng, du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo ra các sản phẩm tham gia chương trình OCOP; có ít nhất 2 sản phẩm tiêu chuẩn 5 sao. Các sản phẩm được tham gia ít nhất 3 hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường tiêu thụ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm…