Xứng đáng đầu tàu kinh tế đất nước

Trải qua 79 mùa thu cách mạng, gần 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, với truyền thống năng động, đổi mới, sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đều vượt qua, vững vàng phát triển với tinh thần 'TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM'.

Phục hồi nhanh sau Covid-19

Chỉ trong 1 tuần (từ ngày 10/8-17/8/2024), TP.HCM đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm và làm việc. Điều này cho thấy Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành tình cảm đặc biệt đối với sự phát triển của TP.HCM, “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Vượt qua đại dịch Covid-19, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng nhanh.

Vượt qua đại dịch Covid-19, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng nhanh.

Vào ngày 23/8 vừa qua, Bộ Chính trị họp về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết luận: Quy hoạch phải thể hiện rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của TP.HCM, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước; hướng đến là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Trước đó, tại buổi thăm và làm việc với Đảng bộ và chính quyền TP.HCM vào ngày 17/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: TP.HCM là địa bàn chiến lược rất quan trọng, là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn của Vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với TP.HCM. Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết riêng về Thành phố; Quốc hội, Chính phủ cũng có nhiều cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Thành phố đã kiên cường vượt qua đại dịch Covid-19 và khẩn trương triển khai các kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch đạt nhiều kết quả tích cực. Quy mô kinh tế hiện đã tăng hơn hai lần so với thời điểm 10 năm trước. Thành phố đã chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội sau đại dịch Covid-19. Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân và công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực.

Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Lãnh đạo Trung ương, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết: TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Năm 2022, lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố tăng trưởng âm tới 4,01%; đời sống kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nhiều mặt.

Tuy nhiên với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, chia sẻ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Thành phố đã nhanh chóng vượt qua đại dịch Covid-19. Năm 2022 kinh tế Thành phố đã phục hồi và tăng 9,26%.

Bước vào quý I/2023 với nhiều thách thức, GRDP của Thành phố chỉ tăng 0,7% nhưng Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, góp phần tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 5,81%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng 6,46%, cả năm 2024 dự ước GRDP tăng trưởng đạt 7,5%. Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển đúng định hướng.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu đề ra; nguồn kiều hối ước đạt 23,16 tỷ USD (tăng 55,43%); thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 17,56 tỷ USD. Thành phố cũng tập trung giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, chăm lo gia đình chính sách, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.

Trước đó tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thành ủy TP.HCM vào ngày 10/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết: Tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2024 của Thành phố tăng 6,46%, đóng góp 19,65% vào tốc độ tăng trưởng GRDP chung của cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 661.000 tỷ đồng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2%, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,4%.

Thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 309.000 tỷ đồng, đạt gần 64% dự toán năm 2024, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu du lịch đạt 108.000 tỷ đồng (tăng 15,4%), khách quốc tế đến Thành phố tăng 30,3%, khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 20,8%.

Phát huy tinh thần sáng tạo

Mặc dù Thành phố đã đạt được những thành tựu về kinh tế, xã hội nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cũ chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là vấn đề kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, ngập úng, ô nhiễm môi trường; nhà ở, y tế, giáo dục chưa đáp ứng cho người dân…

Vì thế trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, Thành phố cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ưu tiên tháo gỡ những điểm nghẽn, mạnh dạn đột phá để tận dụng tối đa các cơ hội phát triển. Thành phố cần rà soát lại các dự án có khó khăn, vướng mắc tồn đọng nhiều năm và cần có hướng giải quyết trong thời gian tới; xây dựng phát triển văn hóa, con người Thành phố ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh...

Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có những chỉ đạo sâu sát, đưa ra những định hướng chiến lược phát triển cho TP.HCM. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thành phố cần rút kinh nghiệm, tập trung đẩy nhanh các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

Trong giai đoạn mới cần phát triển những ngành mới nổi; phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo để có thể vận dụng linh hoạt bối cảnh của Việt Nam và xu hướng của thế giới, góp phần phát triển Thành phố nhanh, mạnh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, TP.HCM phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả hơn với tinh thần 6 "tiên phong". Cụ thể là tiên phong trong đổi mới tư duy; tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh; tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ; tiên phong trong phát triển các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao; tiên phong trong phát triển nhân lực chất lượng cao; tiên phong trong thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; cùng với quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự đồng hành, chia sẻ của người dân và doanh nghiệp, chắc chắn “đầu tàu” kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục vươn xa, vững vàng hội nhập kinh tế và phát triển bền vững, “vì cả nước, cùng cả nước”.

Trong năm 2024, TP.HCM đề ra 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, về kinh tế, Thành phố phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,5 - 8%, hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (453.000 tỷ đồng); Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt từ 87% trong tổng số lao động đang làm việc, tạo việc làm mới là 140.000 chỗ; tỉ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt trên 95%...

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xung-dang-dau-tau-kinh-te-dat-nuoc-176136.html